TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và bền vững

10/11/2023 - 23:10
(Bankviet.com) Ngày 9/11, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”.
TP. Hồ Chí Minh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương năm 2023 TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ nỗ lực kiềm đà tăng giá hàng hóa

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, đại diện các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Hiệp hội doanh nghiệp và Hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý cấp bộ, ngành đã trao đổi 3 nội dung chính: Các xu hướng phát triển mới và dự báo tình hình kinh tế thế giới thời gian tới; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thông qua triển khai Nghị quyết 93/NQ-CP và định hướng công tác hội nhập trong thời gian tới ở các địa phương phía Nam; yêu cầu, tiêu chuẩn mới từ các thị trường đối tác và tác động doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, tình hình trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục biến động với những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện đa cực, đa trung tâm; chủ nghĩa bảo hộ, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn có xu hướng tăng lên… làm thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, cách thức tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội. Xung đột tại một số quốc gia khu vực và hậu quả của Covid-19 tiếp tục gây cản trở dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế, làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực kinh tế thế giới.

Tình hình trên đã thúc đẩy nhanh hơn các xu hướng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Các “rào cản xanh”, yêu cầu mới và xu hướng “chuyển đổi kép - xanh và số” được các quốc gia áp dụng nhiều hơn trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Các xu hướng mới và yêu cầu mới từ các đối tác đã tác động đan xen cả cơ hội và thách thức đối với công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và bền vững
Quang cảnh hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”

Tại hội nghị, ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế cho biết, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây cũng là địa phương có hoạt động thương mại trao đổi đầu tư lớn nhất cả nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt hơn 110 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt trên 3,94 tỷ USD.

Để đạt được kết quả trên, thành phố đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và truyền thông về hội nhập quốc tế với hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình biến động, hội nhập kinh tế thế giới.

TP. Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp đông nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trong khi đó, vấn đề hội nhập được các doanh nghiệp lớn, có xuất khẩu quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa đạt kỳ vọng.

Bên cạnh đó, việc triển khai các vấn đề trong FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng,… chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị nhằm thực thi hiệu quả. Với nhu cầu ngày càng khắt khe giữa các thị trường, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố nhận định, nhằm đảm bảo việc hội nhập quốc tế có hiệu quả, các doanh nghiệp không chỉ chủ động mà các hiệp hội, ngành hàng, đơn vị cũng cần có chức năng đầu mối, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này.

Trước đó, Đoàn công tác liên ngành từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Ngoài ra, Đoàn công tác liên ngành cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp và Hiệp hội của thành phố về triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA trên địa bàn thành phố.

Phúc Hà

Theo: Báo Công Thương