Xuất khẩu vẫn khó
Xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn và bị suy giảm mạnh theo đà giảm chung của thương mại toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ điện tử, hàng dệt may, nông lâm thủy sản cho tới chế biến gỗ, giày dép - túi xách. Tính đến tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu đã sụt giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Cụ thể là do tình hình kinh tế thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng.
Xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng |
Thực tế khó khăn trên dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi đó các đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong năm 2023 kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn khó khăn. Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu nhưng sức mua sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như ở các địa phương khác.
“Có giai đoạn xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh giảm tới 37%. Trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu khi ký kết hợp đồng có thể có dòng tiền, nhưng hiện nay có một số ngành chuyển sang giữ kho ở nước ngoài. Khi nào đối tác bán được hàng thì mới thanh toán. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp” - ông Vũ nêu thực tế.
Tìm kiếm cơ hội kết nối, giao thương
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cùng Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), đã liên tục tổ chức các hội chợ, triển lãm cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các chương trình đã được các cơ quan xúc tiến thương mại thực hiện như hội chợ xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh, diễn đàn Mekong Connect 2023, triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh...
Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tăng cường kết nối giao thương |
Tại Hội chợ Xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh lần đầu được tổ chức đầu tháng 6/2023, theo thống kê của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 200 lượt kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đoàn doanh nghiệp nước ngoài, hệ thống phân phối. Sau buổi kết nối, nhiều doanh nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã có những hợp đồng kí kết mới về phân phối tiêu thụ sản phẩm ở nhiều thị trường quốc tế mới. Trong đó, Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây đã ký kết thành công việc phân phối sản phẩm tiêu dùng tại Hàn Quốc - một thị trường vốn dĩ đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn cao đối mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến.
Được biết, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, 5 Sở Công Thương địa phương gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ đẩy mạnh liên kết thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; triển khai Đề án "Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030".
Cùng với đó, ngành Công Thương các tỉnh sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu, đề xuất các thị trường phù hợp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tiềm năng sản phẩm của 5 thành phố, phấn đấu phục hồi tăng trưởng dương xuất khẩu.
Dự kiến cuối tháng 12/2023, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất, cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân.
Hà Linh