Tránh mua lúa mì từ Mỹ, Trung Quốc tìm ra cứu tinh mới: Vừa 'chốt đơn' hàng trăm nghìn tấn hàng, là các nhà cung cấp chủ đạo của Việt Nam
Trung Quốc mua lúa mì từ 2 nhà cung cấp mới khi thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến mùa màng.
Các thương nhân hàng hóa cho biết người mua Trung Quốc đã mua từ 400.000 đến 500.000 tấn lúa mì từ Úc và Canada trong những tuần gần đây. Nguyên nhân là bởi thời tiết nắng nóng đe dọa đến mùa màng ở các vùng nông nghiệp trọng điểm của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước trồng lúa mì hàng đầu thế giới và cũng nhập khẩu một lượng lớn ngũ cốc khi nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Đầu tuần này, tỉnh Hà Nam - nơi trồng khoảng một phần ba sản lượng lúa mì của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo rủi ro vì thời tiết khô nóng đe dọa đến lúa mì đang được trồng trên các đồng lúa của tỉnh.
Cụ thể, người mua Trung Quốc đã mua 4-5 lô hàng lúa mì, mỗi lô khoảng 55.000 tấn từ Úc để giao vào tháng 7 hoặc tháng 8 và khoảng 200.000 tấn từ Canada, các nguồn tin tại hai công ty thương mại lớn ở Úc cho biết. Đây cũng là đơn đặt hàng đầu tiên của Trung Quốc từ Úc kể từ năm ngoái.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu đạt 11 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD vào năm 2024. Úc và Canada thường là những nhà cung cấp lớn nhất.
Nhưng lượng hàng xuất khẩu đã giảm mạnh sau khi Trung Quốc thu hoạch được vụ lúa mì và ngô lớn vào năm ngoái và vẫn duy trì ở mức thấp kể từ đó.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc truy cập thông qua Trade Data Monitor cho thấy Trung Quốc đã trì hoãn hoặc chuyển hướng các chuyến hàng từ Úc vào đầu năm nay và nhập khẩu chưa đến một triệu tấn lúa mì trong 7 tháng tính đến ngày 31 tháng 3.
Các nhà phân tích đã hạ dự báo sản lượng lúa mì của Trung Quốc năm 2025 xuống khoảng 5 triệu tấn nhưng không có gì đảm bảo rằng sẽ có thêm nhiều đơn mua hàng nữa vì Trung Quốc có lượng lúa mì tồn kho lớn.
Rod Baker, một nhà phân tích tại Australian Crop Forecasters ở Perth, cho biết: "Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi trong năm nay với lượng dự trữ lớn", đồng thời nói thêm rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cũng làm giảm nhu cầu về ngũ cốc.
Các nhà phân tích cũng cho biết thêm rằng người mua Trung Quốc sẽ tránh mua lúa mì của Mỹ do thuế quan và cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc trước đây là điểm đến hàng đầu cho doanh số bán lúa mì của Mỹ.
Lượng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm vào đầu mùa vụ 2024/25 hiện tại đã góp phần làm giảm giá lúa mì quốc tế, với giá kỳ hạn chuẩn tại Chicago vẫn gần mức thấp nhất trong 4 năm được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái.
Các thương nhân cho biết, cùng với rủi ro thời tiết đối với vụ thu hoạch sắp tới của Trung Quốc, giá cả hấp dẫn có thể đã thu hút các nhà nhập khẩu Trung Quốc quay trở lại thị trường khi mùa vụ 2025/26 đang đến gần.
Theo các thương nhân, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã đặt mua một lượng lớn lúa mạch. Cụ thể, 6 tàu chở hàng rời Panamax chở khoảng 360.000 tấn lúa mạch vụ mới của Pháp hoặc Ukraine đã được bán để giao hàng vào tháng 7 hoặc tháng 8, trong khi một số người khác đưa ra con số cao hơn nhiều, vào khoảng 1 triệu tấn, cũng để vận chuyển vào mùa hè này.
Một thương nhân người Đức cho biết: "Hoạt động nhập khẩu lúa mì và lúa mạch của Trung Quốc rất trầm lắng trong năm qua và đây là những giao dịch lớn đầu tiên tôi thấy sau nhiều tháng".
Việc mua lúa mạch thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc tùy chọn là từ Ukraine hoặc Pháp. Các giao dịch được thực hiện với mức giá khoảng 250-254 đô la một tấn giao đến Trung Quốc, một thương nhân cho biết.
Đối với lúa mì, Úc và Canada cũng chính là những nhà cung cấp chủ đạo của nước ta. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Úc đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp lúa mì của Việt Nam với hơn 310 nghìn tấn, chiếm thị phần 20%. Canada đứng thứ 5 với hơn 62 nghìn tấn, tương đương 4% thị phần.