Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023 |
Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Chủ trì Hội thảo gồm: Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.
Cùng dự còn có các đại diện lãnh đạo các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các chuyên gia, các sinh viên báo chí và công chúng quan tâm.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thuyết trình tại Hội thảo. (Ảnh: Kim Dung) |
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu hiện nay. Báo chí truyền thông là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế-xã hội thì cần phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Báo chí trong bối cảnh hiện nay cần phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ dần quả tải nếu vẫn duy trì cách làm báo truyền thống.
Nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn. Tuy nhiên, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là “ChatGPT” đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, trí tuệ nhân tạo AI đang đe dọa nguồn thu của báo chí, đây là vấn đề sống còn của báo chí hiện nay. Kinh tế báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.
“Những công cụ tìm kiếm đang mang lại khoảng 50% traffic cho các cơ quan báo chí, trong khi đó các nền tảng mạng xã hội mang lại trung bình 15-20%. Tuy nhiên, với sự ra đời của AI, cách thức trả kết quả của các công cụ tìm kiếm đã hoàn toàn khác. Nguy cơ các cơ quan báo chí mất 50% lượng traffic từ các công cụ tìm kiếm là hiện rõ, kèm theo đó là mất doanh thu từ quảng cáo.”, ông Lê Quốc Minh thông tin.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện những thông tin giả do các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI tạo ra với tốc độ rất nhanh, sức thuyết phục cao, khiến nhiều người dùng vô tình trở thành nạn nhân tiếp tay lan truyền những thông tin xấu độc này.
Tại Hội thảo, ông Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào AI trong báo chí. Theo đó, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các công nghệ AI như ChatGPT, các cơ quan báo chí nên có cái nhìn rộng hơn, đầu tư AI không phải đơn giản chỉ là có những công cụ để viết bài, mà còn để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đơn cử như là để nắm bắt hành vi của người dùng.
“Cách thức lôi cuốn người dùng và đo đạc trên website giờ không còn dựa vào lưu lượng truy cập (traffic), mà đo đạc bằng độ sâu của người dùng, tức là thời gian người dùng lưu lại trên website (time on site).”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định con đường của báo chí đang đi chắc chắn là đồng hành với công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại tốn nhiều công sức.
Ông Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến tại hội thảo. |
Trong chia sẻ của mình, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trí tuệ nhân tạo AI đang cho báo chí thêm 1 cơ hội để gạt bỏ bớt những loại công đoạn, những loại lao động, những loại kỹ năng thuộc dạng cơ bản mà máy có thể làm như mình và tốt hơn mình.
Ông Nguyễn Thanh Lâm khuyến nghị các tòa soạn báo nên suy nghĩ về những thứ không nên làm vì đã trùng, cơ quan báo chí khác đã làm.
“Chúng ta nên dùng công nghệ để có lợi cho chúng ta, phục vụ chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà có khi ta lại mất đi bản thể, giá trị cốt lõi, trở thành phụ thuộc thậm chí bị kiểm soát. Cái gì là giá trị cốt lõi của báo chí? Cái nào là giá trị của mình? Công nghệ và tất cả mọi thứ chỉ là công cụ thôi.”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Theo bà Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, ĐH Oxford (Vương quốc Anh), Giám đốc Công ty Sáng kiến truyền thông và phát triển MDI, trí tuệ nhân tạo AI như ChatGPT có thể giúp nhà báo các ý tưởng viết bài, thậm chí viết những tin đơn giản.
Tuy nhiên, bà Thùy nói các thông tin, bằng chứng mà ChatGPT đưa ra cần phải được kiểm chứng, các chất liệu thực tế vẫn cần tới nhà báo.
Hoàng Hà