Nâng cao vị thế Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN Nâng cao vị thế Việt Nam về an sinh xã hội trong tiến trình hội nhập quốc tế |
Đẩy mạnh xuất khẩu
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm; nhu cầu suy giảm đã tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế suy yếu sau giai đoạn Covid-19, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp…
FTA là động lực quan trọng giúp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Mặc dù vậy, số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Có thể nói, kết quả này đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật trong đó là sự chủ động thúc đẩy thực thi các FTA của Bộ Công Thương. Trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 7/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, việc khai thác các FTA được Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Điểm rõ nhất là trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên) và liên tục có kết quả xuất siêu, 10 tháng đầu năm 2023, xuất siêu 24,6 tỷ USD. Để có được kết quả này, Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Đơn cử, theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2022, có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với các nước Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tăng 11 địa phương so với năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021 như: Thủy sản tăng 41,7%; giày dép tăng 51,7%; dệt may tăng 185,2%; cà phê tăng 140,1%; máy móc và thiết bị tăng 152,3%... Các thị trường mới như Canada và Mexico ghi nhận tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP nhiều nhất với mức tương ứng 13,7% và 30,8%.
Ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - nhìn nhận, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sang khối CPTPP đã ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Điều này cho thấy rõ nhu cầu cũng như dư địa thị trường thực sự hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương
Năm 2023, công tác thực thi, triển khai các FTA đã được Bộ Công Thương tiếp tục được tăng cường, trong đó, đã chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành có liên quan về việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đồng thời, Bộ Công Thương tích cực phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành theo dõi, khẩn trương xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quan điểm của Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh. Đồng thời, phối hợp để xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh (dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024).
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023, các đơn vị chức năng của Bộ đã đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó, có 6 đối tác chiến lược toàn diện, 18 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện) và có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế.
Các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) - cho biết, hiện nay, Vinasamex đã xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi sang nhiều thị trường có FTA. Việc hưởng lợi từ các FTA giúp doanh nghiệp có được khách hàng chuyển dịch từ thị trường khác sang mua hàng hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. “Những năm gần đây, nhờ “đòn bẩy” của các FTA, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản...” - bà Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... đây cũng chính là cơ sở, nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Điều này đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng GDP cao trong những năm qua và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Thông qua công tác hội nhập, Việt Nam đã và đang trở thành "cửa ngõ" quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Điển hình, FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, đến nay, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán cấp trưởng đoàn và cấp kỹ thuật. Hiện tại, hai bên đã xác định được những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của hiệp định như thương mại hàng hóa, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục thúc đẩy việc nối lại đàm phán và nỗ lực xử lý những vấn đề còn tồn tại để có thể sớm kết thúc đàm phán, trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai phía.
Đối với FTA Việt Nam - Israel (VIFTA), VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA. Thông qua VIFTA, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu... Đồng thời, trong năm 2023, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham dự đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các FTA trong khuôn khổ ASEAN.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước, việc Bộ Công Thương hoàn tất ký kết VIFTA và khởi động đàm phán FTA Việt Nam - UAE cũng như nhiều FTA mới khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thêm cánh cửa để mở rộng thị trường. Bên cạnh các giải pháp chủ động triển khai thực thi FTA, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, RCEP, Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA khác của Việt Nam dưới nhiều hình thức. Đồng thời, tiếp tục chủ trì đảm nhiệm, thúc đẩy và làm tốt vai trò là đơn vị tiếp nhận các câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân liên quan đến các FTA và trực tiếp trả lời hoặc phối hợp với cơ quan liên quan trả lời.
Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện. Vì vậy, trong 3 - 5 năm tới, sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với đối tác thương mại chính. |
Thu Trang