Triển vọng lãi suất cho vay, lãi suất huy động năm 2025

24/12/2024 - 00:31
(Bankviet.com) Sau khi tăng nhẹ trong cuối năm 2024, lãi suất huy động được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2025, trong khi lãi suất cho vay trung bình tiếp tục duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025.
lai-suat-ngan-hang.jpg

Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo phân tích về ngành Ngân hàng năm 2025, vừa được CTCK Vietcombank (VCBS) công bố.

Theo đó, về xu hướng lãi suất, báo cáo của VCBS cho biết, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh USD được dự báo mạnh lên trong năm 2025. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Ngoài ra, mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng khiến nhiều ngân hàng có thể phải tăng cường huy động nhằm mục đích cân đối thanh khoản và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính, trong đó một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Trong khi cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.

Theo các chuyên gia của VCBS, những yếu tố này sẽ góp phần đưa lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong cuối năm 2024.

Dự báo năm 2025, VCBS nhận định, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước COVID-19, chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20 - 30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, xu hướng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn.

Đối với lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất đi ngang và duy trì ở mức thấp cho giai đoạn cuối 2024 – năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Theo VCBS, việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu,… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động.

Về triển vọng ngành, VCBS dự báo, năm 2025 lợi nhuận sẽ duy trì tăng trưởng, triển vọng tích cực với tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì khả quan.

"Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo tiếp tục duy trì mức 14 - 15% trong năm 2025. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ: mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, trong khi cho vay mua nhà cũng có dấu hiệu hồi phục khả quan; tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng", báo cáo nêu.

Cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng, NIM cũng tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường 2, trong khi dư địa giảm tiếp lãi suất đầu ra không còn nhiều. Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.

Ngoài ra, chất lượng tài sản toàn ngành có xu hướng cải thiện cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, cũng như hiệu quả từ các chính sách nối tiếp nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn (do môi trường kinh doanh không thuận lợi, thiên tai…) của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ