Triển vọng ngành thủy sản “kém sáng” trong năm 2023. |
Trong báo cáo ngành mới công bố, VNDirect dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho thấy tình hình kinh doanh kém tươi sáng của ngành thuỷ sản đầu năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2,57 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh từ 10 - 41% do nhu cầu thị trường chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao, suy thoái kinh tế khiến cả lượng xuất khẩu và giá bán bình quân đều giảm.
Theo đó, tổng doanh thu quý I/2023 của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết giảm mạnh 32% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ngành thu hẹp 5,1 điểm % do giá bán bình quân giảm trong khi chi phí sản xuất tiếp tục ở mức cao. Theo ước tính của VNDirect, tổng lợi nhuận ròng trong quý I/2023 của ngành thuỷ sản giảm 74% so với cùng kỳ.
Nhiều yếu tố cản trở đà phục hồi ngành thủy sản
Các chuyên gia của VNDirect phân tích, nhìn chung, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính vẫn đang bị ảnh hưởng.
Đối với thị trường truyền thống là Mỹ, lạm phát cao và suy thoái kinh tế sẽ khiến cho sức tiêu thụ thuỷ sản của thị trường này sụt giảm. Trong khi người dân Mỹ đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm thì nhóm nhà hàng, khách sạn - một trong những kênh tiêu thụ chính của các sản phẩm thủy sản đang kinh doanh không mấy khả quan. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ là lượng hàng tồn kho cao, khiến các nhà nhập khẩu phải giảm hoặc ngừng đặt hàng mới trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023.
Theo số liệu từ VNDirect, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tới Mỹ ước đạt 412 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ, khiến cho thị trường này trở thành thị trường xuất khẩu “kém” nhất.
Thống kê thị trường thủy sản Mỹ trong ba tháng đầu năm 2023. |
Tuy nhiên, theo VNDirect, đã có dấu hiệu phục hồi của thị trường Mỹ trong tháng 5/2023, khi giá cá tra xuất khẩu bình quân có xu hướng tăng và lạm phát của ở quốc gia này có dấu hiệu hạ nhiệt, với CPI tháng 5/2023 là 4,9%, mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất trong hai năm qua và thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Do đó, VNDirect dự báo, nhu cầu thuỷ sản của thị trường Mỹ sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Đầu năm 2023, mặc dù việc Trung Quốc chính thức mở cửa sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero Covid” đã khiến nhập khẩu thủy sản của nước này tăng đáng kể nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chưa được như kỳ vọng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 sang Trung Quốc chỉ đạt 364 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ do sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra.
VNDirect chỉ ra rằng, sản phẩm tôm của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ khi thế mạnh của hai quốc gia này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Đối với mặt hàng cá tra, trong 4 tháng đầu năm 2023 giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 68% so với cùng kỳ.
Về triển vọng của thị trường Trung Quốc, theo VNDirect, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tháng 4/2023 đạt mức kỷ lục, người dân nước này sẽ có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023 do phải thắt chặt chi tiêu để trả nợ.
Mặt khác, do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.
Thất nghiệp và nợ nần khiến người dân Trung Quốc thắt chặt chi tiêu trong thời gian tới. |
Ở chiều ngược lại, nhu cầu cá tra từ thị trường EU sẽ ổn định nhờ lạm phát cao. Hầu hết các thị trường trong EU đều tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, trong đó nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng hai con số như Romania (36%), Thụy Điển (53%), Đan Mạch (34%), Bulgaria (49%). Một số thị trường nhỏ hơn tại châu Âu thậm chí còn ghi nhận mức tăng trưởng dương 3 con số như Đức (100%), Litva (429%), Phần Lan (436%).
Trong nửa cuối năm 2023, VNDirect kỳ vọng nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam tại EU sẽ ổn định hơn, do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Liệu có thể phục hồi?
Do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính và chi phí sản xuất vẫn neo cao, các doanh nghiệp niêm yết ngành thuỷ sản đa phần đểu tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022.
Mặc dù đặt kế hoạch doanh thu 2023 lớn hơn hoặc bằng doanh thu năm 2022 nhưng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, với những thách thức có thể thấy được trong năm 2023 của ngành tôm, VNDirect đánh giá, kế hoạch này của các doanh nghiệp này là khá tham vọng.
Kết quả kinh doanh quý I của nhóm thủy sản. |
Theo VNDirect, khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính vẫn đang bị ảnh hưởng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm trong năm 2023 do biên lợi nhuận gộp giảm và mức nền năm 2022 cao.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, triển vọng ảm đạm của toàn ngành trong năm 2023 đã phần nào được phản ánh vào thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, giá cổ phiếu ngành thuỷ sản đã giảm khoảng 40 - 60% kể từ mức đỉnh vào quý 2/2022.
Với kỳ vọng nhu cầu phục hồi từ thị trường Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2023, VNDirect đã thêm cổ phiếu ANV của Nam Việt và VHC của Vĩnh Hoàn vào danh sách theo dõi đầu tư với những luận điểm đầu tư rõ ràng.
Đối với Nam Việt, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc quay trở lại thị trường Mỹ với mức thuế chống bán phá giá 0% sẽ là lợi thế đáng kể cho doanh nghiệp này. Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu ANV còn được củng cố với việc nhà máy Collagen và Gelatin của “đại gia” thuỷ sản này dự kiến đi vào hoạt động thương mại vào quý II/2023.
Theo VNDirect, sản phẩm C&G có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn nhiều so với phi lê cá tra, nên sự đóng góp trong tương lai của mảng kinh doanh này sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của ANV được cải thiện trong thời gian tới. Trên thực tế, cổ phiếu ANV vào đà tăng từ cuối tháng 12/2022 tới nay. So với vùng giá đáy, thị giá của ANV đã phục hồi 117% và vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Đối với Vĩnh Hoàn, VNDirect cho rằng, doanh nghiệp này sẽ khó duy trì đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng bởi ba nguyên nhân chính là: nhu cầu tại các thị trường chính là Mỹ và EU chịu ảnh hưởng bởi lạm phát; sản lượng tiêu thụ và giá bán trung bình không còn được hỗ trợ bởi tâm lý dồn nén nhu cầu sau đại dịch của thị trường Mỹ; nhu cầu mảng C&G khó phục hồi mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, triển vọng nănm 2023 đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu của doanh nghiệp này. Nếu so với vùng giá đỉnh hồi đầu tháng 6/2022, cổ phiếu VHC đã mất 45% thị giá. Tuy nhiên, cổ phiếu cũng đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ so với vùng đáy hồi cuối tháng 3/2023.
Dòng tiền "chạy" sang nhóm thủy sản - thiết bị điện, VN-Index chạm 1.110 điểm Các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép ghi nhận giá trị giao dịch lớn song đã giảm đáng kể so với phiên trước đó. |
Nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu thủy sản không nên đặt nhiều kỳ vọng Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, bối cảnh thị trường không thuận lợi đang khiến tổng lợi nhuận ròng của các doanh ... |
Thủy sản Minh Phú dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20 - 30% CTCP Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) mới công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 24/6 tới đây với mục tiêu ... |
Hà Lê