Trong tháng 6 sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

07/06/2024 - 03:20
(Bankviet.com) Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong tháng 6/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Đề nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vào kỳ họp thứ 7 Nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được miễn thuế

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam

Phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn ngày 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tính cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%).

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả ba khu vực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6,8% (trong khi, năm 2023 giảm 2%); nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 5, khách quốc tế đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi đại dịch Covid diễn ra). Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỷ USD tăng 16,6%; xuất siêu trên 8,01 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực; gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. "Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam" - Phó Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Về các nhiệm vụ giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Một là, tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ.

Ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng để khơi thông các nguồn lực đất đai, vốn, phục hồi thị trường bất động sản. Tập trung giải quyết các dự án vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực nhà nước, xã hội cho phát triển…

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.

Phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua thúc đẩy đầu tư công các dự án hạ tầng, dự án động lực thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu.

Kiến tạo, thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng; có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực quan trọng, động lực mới cho tăng trưởng.

Ba là, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khoan thư sức dân, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ định hình các lĩnh vực kinh tế mới, các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

"Ngay trong tháng 6/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương