Trung Quốc công bố loạt số liệu kinh tế gây thất vọng

19/10/2023 - 17:50
(Bankviet.com) Khi kinh tế Trung Quốc mới mở cửa, nhiều người từng kỳ vọng rằng tiêu dùng người dân sẽ hồi phục mạnh, tuy nhiên đáng tiếc là cho đến nay kịch bản đó đã không xảy ra.

Số liệu lạm phát và thương mại của Trung Quốc theo công bố gần đây nhất không đạt kỳ vọng không khỏi tạo ra nhiều lo lắng về khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện đang trên cái nền không vững vàng bất chấp nhiều dấu hiệu bình ổn gần đây.

Chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ đi ngang trong tháng 9/2023 sau khi hồi phục vào tháng 8/2023, nó cho thấy nhu cầu yếu và ảnh hưởng từ các biện pháp thắt chặt tín dụng của chính quyền Bắc Kinh. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm trong tháng gần nhất, dù rằng ở mức độ thấp hơn so với tháng 8/2023, theo số liệu công bố vào ngày thứ Sáu.

Dù rằng trong những tuần gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu hồi phục sau một mùa hè chững lại, số liệu kinh tế mới nhất không khỏi khiến nhiều người thận trọng về triển vọng kinh tế hiện vẫn đang chịu nhiều sức ép.

Cuộc khủng hoảng bất động sản toàn diện vẫn đang gây ảnh hưởng lên khắp nền kinh tế, khả năng một doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc vỡ nợ tạo tâm lý bi quan lên nhà đầu tư toàn cầu.

Khi kinh tế Trung Quốc mới mở cửa, nhiều người từng kỳ vọng rằng tiêu dùng người dân sẽ hồi phục mạnh, tuy nhiên đáng tiếc là cho đến nay kịch bản đó đã không xảy ra. Xuất khẩu được cho là sẽ vẫn suy giảm và gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế trong khoảng thời gian còn lại của năm bởi nhu cầu của nước ngoài với hàng hóa Trung Quốc hạ nhiệt.

Những mối lo mới về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn những tuần gần đây đã làm giảm đi hy vọng về khả năng kinh tế toàn cầu đảo chiều, đặc biệt là khi mà chính sách lãi suất cao mà nhiều ngân hàng trung ương tại Mỹ và châu Âu áp dụng không khỏi ảnh hưởng đến động lực chi tiêu vào đầu tư của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm sau xuống còn 5% và 4,2% từ dự báo 5,2% và 4,4% trước đó. Việc dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được điều chỉnh giảm cũng khiến cho IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,9% với năm 2024.

Một số chuyên gia kinh tế nói rằng sẽ cần phải có thêm thời gian những biểu hiện của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại mới trở nên rõ ràng. Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC ở Singapore, ông Tommy Xie, cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay dù rằng không có gói kích cầu quy mô lớn.

Kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hồi phục hơn nữa trong những tháng tới. Tuy nhiên thách thức thực sự sẽ chỉ diễn ra trong năm tới và năm sau đó nữa”, ông Xie nói.

Một phần của những thách thức này sẽ là ngăn chặn vòng xoáy giảm phát, đó là khi mà giá cả sụt giảm và nhu cầu yếu khiến cho nhu cầu hàng hóa tiêu dùng ngày một yếu đi.

Khả năng vòng xoáy suy giảm đã được nhắc đến trong mùa hè năm nay, khi mà chỉ số giá cả tiêu dùng toàn phần tháng 7/2023 suy giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm.

Vào ngày thứ Sáu, số liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy lạm phát tiêu dùng tháng 9/2023 không thay đổi so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 0,1% trong tháng 8/2023. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal đã kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tăng 0,2%.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực giảm phát sẽ giảm đi qua thời gian. Chỉ số lạm phát tiêu dùng lõi, vốn không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, duy trì ngưỡng tăng cao nhất 6 tháng là 0,8% trong tháng 9/2023.

Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng đã giúp làm giảm bớt áp lực suy giảm của hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, theo phân tích của chuyên gia Xie thuộc Ngân hàng OCBC.

Vào ngày thứ Năm, chuyên gia kinh tế thuộc Citigroup đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc quý III/2023 lên ngưỡng 4,3%, như vậy kinh tế nhiều khả năng sẽ chạm ngưỡng tăng trưởng GDP 5% theo mục tiêu. Gần đây, Nomura Holdings đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc lên ngưỡng 4,8% từ mức 4,6%.

Các chuyên gia phân tích nhận xét loạt biện pháp nới lỏng từ Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã giúp cải thiện tâm lý người tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất vài lần trong năm nay còn chính quyền các địa phương đã tăng cường phát hành trái phiếu để có tiền chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt đã dẫn đến tâm lý lo lắng về triển vọng tăng trưởng trong vài năm tới.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ