Trung Quốc từ chối đề xuất giải cứu bất động sản của IMF

09/08/2024 - 20:16
(Bankviet.com) Trung Quốc đã từ chối đề xuất giải cứu nhà ở do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra để triển khai các quỹ của chính phủ trung ương nhằm giúp chấm dứt tình trạng suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản.

Trong báo cáo tham vấn điều IV công bố ngày 2/8, các cán bộ của IMF đề nghị chính phủ Trung Quốc cung cấp vốn trực tiếp “để hoàn thành và bàn giao các dự án còn dang dở đã bán trước hoặc bồi thường cho người mua nhà”. Họ cho rằng chính phủ Bắc Kinh cũng có thể xem xét chuyển một số dự án bất động sản không khả thi sang dự án nhà ở giá rẻ.

Theo các chuyên gia IMF, cần sự hỗ trợ như vậy từ chính phủ trung ương như một biện pháp một lần để tránh việc ngộ nhận về một gói cứu trợ dành cho các nhà phát triển bất động sản. Họ nói thêm: “Các nhà ở như vậy nên được mua với chi phí đủ thấp và hỗ trợ nên nhắm mục tiêu đến những ngôi nhà đã được bán trước với một khoảng thời gian nhất định và không thể hoàn thành bằng cách sử dụng nguồn vốn thị trường”.

Theo ước tính của IMF, kế hoạch này nếu được thực hiện có thể tiêu tốn khoảng 5,5% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc trong 4 năm. Điều đó có nghĩa là kế hoạch này sẽ cần gần 1 nghìn tỷ USD vốn tài trợ, theo tính toán dựa trên GDP của Trung Quốc năm ngoái.

Về vấn đề này, ông Zhang Zhengxin, người đại diện cho chính phủ Trung Quốc trong Ban điều hành IMF, cho biết: “Sẽ là không phù hợp nếu chính phủ trung ương trực tiếp cung cấp hỗ trợ tài chính, vì điều này có thể dẫn đến kỳ vọng về sự cứu trợ của chính phủ trong tương lai và do đó gây ra những rủi ro về mặt đạo đức”.

Mặc dù đề xuất của IMF đã bị bác bỏ nhưng đánh giá của tổ chức này về nguồn vốn cần thiết cho kế hoạch giải cứu cho thấy quy mô đầy thách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản vốn đã trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các biện pháp do chính quyền đưa ra cho đến nay đã tỏ ra chưa đủ để xoay chuyển tình thế.

Hồi tháng 5 vừa rồi, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã triển khai các biện pháp giải cứu nhà ở táo bạo nhất, đưa ra các động thái như loại bỏ lãi suất tối thiểu đối với các khoản thế chấp và giảm khoản tiền đặt cọc bắt buộc đối với những người có ý định mua nhà. Chính quyền địa phương được cho phép có nhiều không gian hơn trong việc nới lỏng các hạn chế về mua bất động sản và cũng được chính quyền trung ương khuyến khích mua lại những căn hộ đã hoàn thiện chưa bán để cung cấp nhà ở giá rẻ cho tầng lớp thu nhập thấp hơn, với việc ngân hàng trung ương cam kết cho vay giá rẻ hàng tỷ USD để hỗ trợ sáng kiến ​​này.

Tuy nhiên, những người mua nhà thận trọng đã tỏ ra không mấy hào hứng với các khoản vay thế chấp trong bối cảnh ngày càng lo ngại về tương lai kinh tế của mình, trong khi chính quyền địa phương đang thiếu tiền mặt đã chậm thực hiện chỉ đạo mua nhà của chính quyền trung ương khi họ đang phải “bơi” trong một đống nợ khổng lồ khiến tình hình tài chính căng thẳng trong bối cảnh doanh thu bán đất giảm mạnh.

Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản còn lâu mới kết thúc, một loạt dữ liệu mới cho thấy lĩnh vực này vẫn ở tình trạng tồi tệ, khiến các nhà kinh tế kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính quyền trung ương. Theo công ty cung cấp dữ liệu tư nhân China Real Estate Information Corp, doanh số bán nhà mới tại 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã giảm 20% so với một năm trước đó, xuống còn 279,1 tỷ Nhân dân tệ (38,53 tỷ USD) vào tháng trước, tiếp tục giảm so với mức giảm 17% được thấy trong tháng 6.

H.Y

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ