TS. Bùi Lê Minh: Tăng lãi suất là bước đi phù hợp của NHNN

23/05/2024 - 17:37
(Bankviet.com) Trước động thái tăng lãi suất của NHNN, TS. Bùi Lê Minh đánh giá đây là bước đi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Trong ngày hôm qua (22/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của NHNN đã tăng gấp hơn 9 lần và lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm.

Đáng chú ý, đây là lần thứ hai NHNN tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua. Trước đó, cơ quan này cũng đã tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ 4% lên 4,25%/năm trong phiên 23/4.

Cũng trong phiên hôm nay, NHNN đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm.

TS. Bùi Lê Minh: Tăng lãi suất là bước đi phù hợp của NHNN
NHNN tăng lãi suất (Nguồn: SBV)

Để có góc nhìn chuyên sâu về động thái trên của NHNN, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Lê Minh - Tiến sĩ Tài chính Đại học West Scotland:

PV: Hiện tại, NHNN đã bắt đầu có những chính sách mới trong việc điều hành. Ông đánh giá sao về động thái trên?

TS. Bùi Lê Minh: Động thái trên của NHNN là bước đi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay bởi Việt Nam hiện là một nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc vào xuất khẩu.

Về lý thuyết, khi đồng VND giảm giá, hàng hóa trong nước tính theo VND sẽ giảm giá và có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, do là một nền kinh tế gia công và có tỷ lệ nội địa hóa, chế biến thấp nên lợi thế đó đã bị giảm đi đáng kể vì doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu phải quy đổi VND sang ngoại tệ để mua rồi xuất hàng thu ngoại tệ về.

Thực tế, số liệu nhập siêu 2.6 tỷ nửa tháng 5/2024 của tổng cục Hải quan cho thấy các doanh nghiệp cần nhập khẩu trở lại. Do vậy doanh nghiệp sẽ có xu hướng găm giữ ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá, giảm thiểu chi phí chênh lệch giữa giá mua, giá bán và phục vụ nhu cầu mua hàng. Đồng thời, doanh số các doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết chú trọng xuất khẩu chưa có sự phục hồi rõ nét dù VND đang mất giá liên tục.

PV: Theo ông, động thái trên của NHNN có phù hợp với yêu cầu giảm lãi vay của Chính Phủ?

TS. Bùi Lê Minh: Việc giảm lãi suất để kích cầu của Thủ tướng và Chính phủ là rất tốt trong bối cảnh cầu trong nền kinh tế còn rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Khi giảm lãi suất thì sự hấp dẫn của VND cũng ngay lập tức giảm xuống so với những đồng tiền khác đang có lãi suất được neo giữ cao hơn, lâu hơn.

Chính vì vậy, khi dòng tiền tìm đến kênh đầu tư hấp dẫn; nó sẽ bỏ qua tiền gửi VND do lãi suất thực dương quá thấp còn vàng thì ngày càng trở nên “lấp lánh” khiến nhu cầu vàng trong nước tăng mạnh.

Việc đấu thầu vàng là giải pháp hay nhưng ảnh hưởng đến dự trữ và điều hành sau này sẽ rất khó, song cũng không thể dùng USD để nhập khẩu vàng bên ngoài. Lãi suất là công cụ hút tiền và duy trì niềm tin của người nắm giữ tiền hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, thời gian qua giá thịt heo liên tục đi lên, giá xăng, điện, học phí, viện phí sau một quãng thời gian điều tiết đã phải điều chỉnh tăng trở lại. Kết hợp chính sách tăng lương từ 1/7 vô hình chung sẽ tạo áp lực cho lạm phát những tháng sắp tới. Nếu vẫn giữ lãi suất ở mức thấp, giá trị của VND sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

PV: Theo ông, việc NHNN tăng lãi suất có tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp?

TS. Bùi Lê Minh: Các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với áp lực nợ vay khi NHNN tăng lãi suất, tuy nhiên từ suốt năm 2023 đến nay tín dụng tăng trưởng chậm, có lúc âm dù lãi suất đã giảm về mức thấp thời Covid. Vấn đề ở đây không phải là mức lãi suất thấp mà là điểm cân bằng của cung - cầu tín dụng.

Khi nền kinh tế khó khăn, bản thân người vay cũng không muốn vay tiền để chi tiêu do không có nguồn tiền trả nợ; doanh nghiệp không vay do không có nhu cầu muốn mở rộng sản xuất. Cùng với đó, ngân hàng cũng không muốn giải ngân do rủi ro nợ xấu và khó chứng minh dòng tiền. Vì vậy chúng ta nên quay lại bản chất vấn đề là sự chắc chắn, niềm tin trong hoạt động cho/đi vay để tăng trưởng tốt hơn.

Đồng quan điểm với TS. Bùi Lê Minh,TS. Hoàng Gia Thịnh, giảng viên Đại học RMIT cho rằng việc tăng lãi suất cũng sẽ tạo ra áp lực, tuy nhiên Chính phủ có thể đưa ra những chính sách khác để giúp doanh nghiệp “ gỡ khó”.

Giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ thông qua chính sách tài khoá, chính sách điều hành sẽ là phương án hợp lý nhất trong thời điểm hiện tại thay vì đánh cược các sự không chắc chắn trong dòng vốn ngoại tệ. Các doanh nghiệp FDI hiện tại cũng muốn chuẩn bị sẵn các nguồn lực trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn và hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân sự chất lượng cao và tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục hành chính, hải quan sẽ là bàn đạp giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.

TS.Bùi Lê Minh: Chính sách tiền tệ có thể linh hoạt để kiểm soát tỷ giá và lạm phát

Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính tại Đại Học FPT, để kiểm soát đồng thời lạm phát và tỷ ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán