Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Quá trình xây dựng Luật, Nghị định và Thông tư, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo, đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước để tham gia góp ý, tổ chức hội thảo, toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tọa đàm, hội thảo với nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền và đặc biệt các TCTD, các danh nghiệp, tổ chức, cá nhân rất quan tâm, có buổi hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến lên đến hơn 1.000 người tham dự, điều đó chứng tỏ các TCTD, các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến phòng, chống rửa tiền.
Trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư về phòng, chống rửa tiền. Nhiều ý kiến đã được tiếp thu và sửa đổi. Do đó, Luật, Nghị định, Thông tư được ban hành với nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn để các tổ chức, cá nhân liên quan thực thi có hiệu quả.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, cách đây hơn một tháng, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền tổ chức hội thảo với chủ đề “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các tổ chức tín dụng đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai”, với thành phần là các tổ chức hội viên để trao đổi thẳng thắn những hành vi gian lận, rửa tiền, khó khăn của ngành Ngân hàng, các TCTD trong phòng, chống rửa tiền và đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền trên cơ sở tuân thủ theo quy định pháp luật được ban hành và theo thông lệ quốc tế.
"Như vậy, có thể thấy, trước, trong, sau khi ban hành Luật, Nghị định Thông tư về phòng, chống rửa tiền, Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi thảo luận, toạ đàm, góp ý dưới nhiều hình thức với mục đích các quy định pháp luật ban hành được thực thi một cách hiệu quả nhất", TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng đinh.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá), nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.
“Những năm gần đây tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán, song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này?”, TS. Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.
Theo đó, Hội nghị “Quy định về phòng chống rửa tiền và vai trò của phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoá” kết hợp với triển khai quán triệt Nghị định 19 của Chính phủ và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung làm rõ tiền mã hoá là gì? Quy định pháp luật về loại tiền này như thế nào? Nước ta chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch, vậy phòng chống rửa tiền như thế nào đối với loại tiền này?. Cần kiến nghị các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện quy định pháp luật nào để hạn chế ngăn chặn được hành vi phạm tội?. Các TCTD cần những chuẩn bị về nhân sự và trang bị kiến thức pháp luật nào để phòng, chống rửa tiền có hiệu quả khi phải đối mặt với tội phạm mới này?...
TS. Nguyễn Quốc Hùng hy vọng, Hội nghị sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các TCTD, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trao đổi và cập nhật nhiều thông tin hữu ích, rất mong các diễn giả và quý vị đại biểu tích cực thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai hoạt động phòng, chống rửa tiền hiệu quả.
Q.L