TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng bán cả nợ tốt và nợ xấu, tại sao không?

27/05/2021 - 04:17
(Bankviet.com) Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế khoảng hơn 9 triệu tỷ đồng, yêu cầu về việc thành lập một sàn mua bán nợ, thị trường mua bán nợ tự do đang trở nên bức thiết. TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề, ngân hàng có thể bán cả nợ tốt và nợ xấu trên thị trường mua bán nợ.

Một ngân hàng đang thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Đây có thể là trường hợp đầu tiên trong hệ thống, không loại trừ khả năng sẽ mở đường cho một xu hướng mới của hệ thống ngân hàng khi rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo. Và nợ bán có thể không phải chỉ nợ xấu mà là cả nợ tốt.

Một thị trường mua bán nợ cùng với đó là yêu cầu thành lập một sàn giao dịch nợ quốc gia đã được nhắc đến lâu nay nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới tranh chấp, định giá tài sản bảo đảm... Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn chưa có một sàn mua bán nợ nào được thành lập. Để làm rõ hơn về tính cấp thiết và nhu cầu của nền kinh tế thị trường về một thị trường mua bán nợ, phóng viên đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - người có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động ngân hàng ở Mỹ và Việt Nam.

VietinBank có thể nói là ngân hàng đầu tiên rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng, không có tài sản bảo đảm tại Việt Nam. Xin ông cho biết, đây có phải là một xu hướng phổ biến trên thế giới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thực tế, thị trường mua bán nợ trên thế giới rất rộng rãi và phổ biến. Tại Mỹ không có sàn chính thức nhưng mua bán nợ là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính. Ở đó, họ bán tất cả các loại nợ, cả tốt và nợ xấu.

Một nhà băng bán tốt khi muốn giảm tỷ lệ dư nợ tại 1 phân khúc thị trường nào đó. Ví dụ như với phân khúc bất động sản, theo quy định nội bộ của ngân hàng đó là không vượt quá 10%. Đến thời điểm dư nợ vượt mức quy định họ sẽ bán bớt đi. Có khi có những khoản dư nợ quá lớn vượt quy định về tỷ lệ một món nợ/vốn chủ sở hữu hoặc tổng tài sản thì họ vẫn cho vay ra nhưng khi vượt quy định thì bán đi mà đó là nợ rất tốt. Hoặc có khi nhiều ngân hàng hợp sức với nhau cung cấp một món tín dụng lớn cho 1 doanh nhiệp hay 1 nhóm doanh nghiệp. Trong tổ hợp đó có thể trao đổi mua bán các khoản nợ với nhau.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì nhắc đến mua bán nợ thường là mua bán nợ xấu. Và bán nợ đôi khi chỉ là trên sổ sách, không chuyển nhượng tài sản thế chấp khoản nợ như trường hợp VAMC mua nợ của các ngân hàng. Nó chỉ có tác dụng làm đẹp sổ sách còn trên thực tế thì tài sản bảo đảm vẫn nằm trong ngân hàng.

Điều này là ngược với cách mua bán nợ của thế giới và rất rủi ro cho bên mua nợ. Ngoài ra, các món nợ ở các nước phát triển, được bán với tỷ lệ chiết khấu rất cao, đặc biệt là nợ xấu, tỷ lệ chiết khấu lên tới 70-80%, có khi là 90%. Vì người mua nợ chỉ quan tâm tới giá trị tài sản bảo đảm chứ không quan tâm tới dư nợ. Còn ở Việt Nam thì VAMC mua nợ cũng mua bằng giá sổ sách.

Có thể nói, thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa theo thông lệ quốc tế mà chủ yếu mang tính chuyển nhượng tài sản trên sở sách, để tuân thủ quy định của pháp luật, mua bán nợ chưa thực chất để kinh doanh.

Vậy theo ông, Việt Nam đã có tiền đề để thành lập thị trường mua bán nợ? Trường hợp của VietinBank có thể coi như một chỉ dấu cho thấy việc có một thị trường mua bán nợ thứ cấp là rất cần thiết?

Chúng ta đã có sẵn những tiền đề quan trọng cho một thị trường mua bán nợ. Đó là các bên tham gia, là ngân hàng, công ty tài chính, VAMC, Bộ Tài chính. Cũng có những nhà đầu tư sẵn sàng nhảy vào mua món nợ nếu họ nhìn thấy lợi nhuận. Thực tế, thị trường đã thành hình, chỉ cần kết hợp để có sàn mua bán nợ thì thị trường mua bán nợ sẽ phát triển, không khó khăn gì.

Tôi chỉ không hiểu rằng, tại sao sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành năm 2017 có quy định về việc thành lập thị trường mua bán nợ, sàn giao dịch nợ nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự được vận hành? Trong khi đó, chỉ cần một cơ quan nhà nước đứng ra làm vai trò trung gian, tạo lập thị trường và đặt ra những quy định về luật chơi. Tôi tin là người chơi và hàng hoá sẽ không thiếu trên thị trường này khi dư nợ tín dụng của Việt Nam thời điểm hiện tại đã vượt 9 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý một đặc thù của Việt Nam là rất khó khăn trong chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản. Bản thân đối tượng sở hữu tài sản thế chấp ở nước ta tính tuân thủ luật pháp rất thấp. Có trường hợp ngân hàng tới thu hồi tài sản bảo đảm mà khách hàng ra cầm dao chặn cửa.

Điều này là hy hữu ở các nước phát triển và cuối cùng ngân hàng phải nhờ tới cả sự can thiệp của cơ quan an ninh. Vì thế, một hệ thống toà án hiệu quả là rất quan trọng trong việc phát triển thị trường mua bán nợ. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên có "toà án phá sản" - những người chuyên về phá sản để biết loại tài sản nào nên phá sản, loại nào nên thu hồi.

Vậy theo ông đây đã phải thời điểm thích hợp để Việt Nam thành lập một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp và rộng rãi?

Nhu cầu mua bán nợ ở Việt Nam càng ngày càng lớn. Nợ thực chất là tài sản của 1 ngân hàng, cũng giống như các loại hàng hoá khác, họ phải được chuyển nhượng, mua bán. Hệ thống tín dụng càng lớn thì nhu cầu về một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp càng trở nên bức thiết.

Riêng với trường hợp VietinBank, chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng các ngân hàng sẽ bán nợ tín chấp như một cách lách luật khi không còn được dùng bên thứ 3 để thu hồi nợ. Nhưng đó cũng là biểu hiện tích cực, cho thấy nhu cầu thiết yếu của ngành tài chính về việc thành lập một sàn mua bán nợ quốc gia. Đó là nhu cầu tự thân của thị trường tự do.

Bàn tới thành lập thị trường mua bán nợ ở thời điểm hiện tại đã là quá chậm so với nhu cầu của thị trường, một vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu và đến thời điểm Nghị quyết 42 ra đời tưởng rằng đã phải có rồi. Nhưng dù thế nào muộn còn hơn không và tại sao ngân hàng lại không nghĩ tới việc bán cả nợ tốt và nợ xấu?

Xin cảm ơn ông!

Theo Nhadautu.vn

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam 

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán