"COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trên thế giới, doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, hệ thống ngân hàng chịu tác động gián tiếp nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh" là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế và các công ty phân tích.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I của ngành ngân hàng dường như đang cho thấy điều ngược lại, hàng loạt các ngân hàng báo lãi lớn, có những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận bằng lần. Vậy, nhân tố nào đã "vẽ" lên bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng quý đầu năm 2021 và rủi ro nào trực chờ?
Để trả lời câu hỏi trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về vấn đề này.
Hiện chưa có báo cáo tài chính quý I/2021 những đã có gần một nửa số ngân hàng đưa thông báo về kết quả lợi nhuận quý đầu năm với những con số "khủng", tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ông nhận định ra sao về con số này? Liệu đây có phải là bức tranh chung của toàn ngành?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lợi nhuận ngân hàng quý I sẽ khả quan vì nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền lớn, tín dụng tăng trưởng tốt. Theo thống kê của NHNN con số tăng trưởng tín dụng quý I/2021 là 2,93% là cao hơn nhiều so với con số 1,3% cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, yếu tố thúc đẩy ngân hàng kỹ thuật số, khiến doanh thu từ dịch vụ cao hơn, đóng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận ngân hàng quý I.
Việc đẩy mạnh ngân hàng kỹ thuật số cũng giúp nguồn vốn không kỳ hạn (CASA) của nhiều ngân hàng bứt tốc, làm chi phí vốn rẻ (thậm chí có những ngân hàng không phải trả lãi cho nguồn vốn không kỳ hạn này) tạo yếu tố thúc đẩy, góp phần tăng lợi nhuận. Thêm vào đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ bảo hiểm, mở rộng thêm đối tượng khách hàng cũng là yếu tố tăng doanh thu.
Có thể thấy trước lợi nhuận ngân hàng quý I/2021 của ngành ngân hàng sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, câu chuyện trích lập dự phòng và phòng ngừa nợ xấu vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục được theo dõi, quan tâm trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng quý I và cả năm 2021.
Một trong những thông tin rất đáng lưu ý được một số công ty phân tích đưa ra là hệ số NIM (biên độ lãi ròng) của ngành ngân hàng hiện nay rất cao - một trong những yếu tố lớn thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng bùng nổ năm 2020 và dự kiến cả năm 2021. Ông nghĩ gì về ý kiến này? Liệu có nên yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc tăng trưởng tín dụng tốt, cao hơn huy động, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm và giữ ở mức thấp nhưng lãi suất cho vay tiếp tục treo cao khiến hệ số NIM của các ngân hàng được cải thiện đáng kể trong năm 2020. Tuy nhiên, không nên yêu cầu các ngân hàng giảm suất cho vay bằng một biện pháp hành chính.
Thực tế, lãi suất được hình thành phần lớn vẫn do cung cầu của thị trường. Khi thị trường còn "đói vốn" thì lãi suất cho vay sẽ vẫn treo cao là quy luật. Chưa nói tới NIM không chỉ đo đếm bằng việc lấy lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động mà còn có các chi phí vốn khác, tuỳ từng giai đoạn mà con số này khác nhau.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều lần tôi đã nhấn mạnh rằng, lợi nhuận ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và một phần trong đó là "ảo" do nợ xấu tăng và không được trích lập đầy đủ theo quy định hiện hành mà ẩn khuất dưới vỏ bọc của Thông tư 01 và 03. Nếu bắt các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để giảm bớt NIM có thể khiến họ không có đủ lợi nhuận - như một tấm đệm để xử lý rủi ro tín dụng lúc cần thiết. Hãy coi lợi nhuận đó là room để dự phòng nội bộ khi rủi ro trở thành hiện thực.
Vậy có nghĩa là nợ xấu vẫn là vấn đề lớn mà ngành ngân hàng cần quan tâm trong năm 2021, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn rồi. Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước khiến bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trở nên sáng sủa hơn thực tế nhưng cũng mang tới rủi ro không nhỏ trong nền kinh tế.
Lợi nhuận cao, tỷ lệ nợ xấu thấp khiến chúng ta lạc quan hơn về nền kinh tế nhưng rõ ràng một phần lợi nhuận của ngân hàng là ảo và nợ xấu thì không được nhìn nhận đúng mức.
Tuy nhiên, các ngân hàng có thể lựa chọn trích lập dự phòng theo giai đoạn hoặc toàn bộ theo quy định hiện hành tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng "ông chủ". Một hình ảnh đẹp về lợi nhuận có thể làm nhà đầu tư, cổ đông vừa lòng, nhưng đi cùng với đó là rủi ro lớn. Vì vậy, "thận trọng" sẽ là từ khoá với sức khoẻ ngành ngân hàng trong năm nay và ít cũng phải là 3 năm tới.
Trích lập dự phòng giống như của để dành của các ngân hàng, không làm trước thì cũng phải làm sau và không dùng trước thì sẽ được dùng sau. Vì vậy, tôi cho rằng, các "ông chủ" ngân hàng nên ý thức rõ việc này và chuẩn bị cho nhà băng một bộ đệm tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo N. Thoan (Nhà đầu tư)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam