Từ ngày 1/7, trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ

11/04/2024 - 01:58
(Bankviet.com) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nội hàm cơ bản nhất của việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7 tới đây là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ. Để tiến hành xây dựng các hệ thống thang bảng lương, việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng vị trí việc làm.
chu-tich-qh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp Chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Phiên họp sẽ cho ý kiến vào 2 nhóm vấn đề, trong đó thảo luận các dự án luật sẽ được trình xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ ngày 1/7 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Nội hàm cơ bản nhất của việc cải cách tiền lương lần này là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ. Để tiến hành xây dựng các hệ thống thang bảng lương, việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng vị trí việc làm.

Theo phân công của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét ban hành Nghị quyết này làm căn cứ để xây dựng các thang bảng lương. Phạm vi áp dụng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, Cán bộ thuộc phẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

“Quá trình xây dựng vị trí việc làm đã được thực hiện khá lâu, đã cơ bản đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Từ nay tới thời điểm cải cách tiền lương không còn nhiều, chỉ còn khoảng 3 tháng để hoàn thành, do đó đây là việc hết sức quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Sau phiên họp chuyên đề pháp luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có khả năng sẽ họp tiếp trong tháng 4 và tháng 5 để xem xét một số dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh các phiên họp thường kỳ để cho ý kiến vào các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Dự kiến kỳ họp thứ 7, sẽ có 10 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Đến nay căn cứ vào kết quả, tiến độ chuẩn bị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có đủ hồ sơ, đưa vào xem xét 5 dự án luật gồm Luật Công chứng, Luật Công đoàn, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật Phòng không nhân dân trong phiên họp chuyên đề pháp luật lần này.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ