MC12: Phép thử cho Tổ chức Thương mại Thế giới về hệ thống thương mại tự do |
Sau 2 lần không tổ chức được vì lý do Covid-19 (tháng 6/2020 ở Nur-Sultan, Kazakhstan và tháng 11/2021 Geneva, Thụy Sĩ), Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới lần thứ 12 (MC12) chính thức được khai mạc vào ngày 12/6/2022 tại trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva.
Hai hội nghị Bộ trưởng WTO gần đây nhất cho thấy tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này đang ở vào giai đoạn rất khó khăn: MC10 ở Nairobi, Kenya cũng phải kéo dài thêm thời gian đàm phán mới đưa ra được tuyên bố chung mang tính hình thức; Còn MC11 ở Buenos Aires, Argentina thậm chí đã không thể ra được tuyên bố chung do không có tiến triển trong đàm phán giữa các thành viên.
Những năm gần đây, hệ thống thương mại đa phương đã bị rung lắc dữ dội và có nguy cơ thoái trào. Sau 27 năm chung sống (WTO thành lập ngày 01/1/1995), nhưng có tới 50 năm “tìm hiểu, sống thử” với 8 vòng đàm phán thiên niên kỷ, chưa bao giờ WTO ở vào tình trạng đen tối như hiện nay. Hệ thống thương mại đa phương đã bộc lộ những mâu thuẫn khó hàn gắn như: bất bình đẳng về thu nhập, phát triển không đồng đều, môi trường bị hủy hoại… và đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt khi Mỹ không bổ nhiệm thẩm phán cho cơ quan phúc thẩm của WTO. Lần đầu tiên Tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo xin từ chức trước thời hạn 1 năm.
WTO là tổ chức lớn nhất và quan trọng nhất của thương mại toàn cầu, nó đảm bảo cho thương mại thế giới phát triển theo các định chế pháp lý chung. Chức năng chủ yếu của WTO là giúp đàm phán các thỏa thuận thương mại đa phương; giải quyết các tranh chấp kinh tế thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, nhất là từ sau Vòng đàm phán Doha, WTO chưa bao giờ đạt được thỏa thuận thương mại quốc tế lớn nào, ngoại trừ duy nhất “Gói Bali” với mục tiêu cắt giảm thuế quan.
Thêm vào đó nhiều rào cản phi thuế vẫn tiếp tục được duy trì hoặc tăng thêm. Xung đột thương mại Mỹ-Trung với các màn “ăn miếng, trả miếng” về tăng thuế (cả 2 nước đã vi phạm hoàn toàn quy định của WTO), cho thấy WTO không thể dung hòa được lợi ích của các cường quốc, không thể buộc các nước lớn, chiếm thiểu số trong WTO, tuân thủ các định chế pháp lý của WTO để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nước.
Đại dịch Covid-19 đã làm cho vấn đề trầm trọng thêm khi nhiều ý kiến cho rằng các cường quốc đã không nỗ lực hợp tác ứng phó, khiến đại dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát, làm cho kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái. Thêm vào đó, vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, hậu quả trực tiếp từ xung đột vũ trang Nga - Ukraine cũng cần phải được giải quyết trong khuôn khổ đa phương.
Trong bối cảnh đó, trước và trong suốt quá trình tổ chức MC12, ngay cả những nhà lãnh đạo lạc quan nhất cũng không nghĩ MC12 sẽ thành công. Có chăng, may mắn lắm chỉ là 1 bản Tuyên bố chung mang tính chất “trang trí”.
Tuy nhiên sau thời gian kéo dài, 5h sáng ngày 17/6/2022, MC12 đã kết thúc với thành công ngoài tưởng tượng với “Gói Geneva” bao gồm các tuyên bố và quyết định cấp Bộ trưởng, cấp Đại hội đồng về các vấn đề quan trọng liên quan đến trợ cấp thủy sản, an ninh lương thực, thương mại điện tử, ứng phó với đại dịch…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị MC12 |
Nội dung cụ thể của “Gói Geneva” bao gồm:
Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về cải tổ WTO, khôi phục đầy đủ hoạt động của Cơ quan phúc thẩm của WTO và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO vào năm 2024.
Tuyên bố về Hiệp định trợ cấp thủy sản. Đây là kết quả sau hơn 20 năm đàm phán và MC12 cũng đề nghị tiếp tục đàm phán đối với trợ cấp gây ra vượt công suất và đánh bắt quá mức.
Quyết định về miễn áp dụng các quy định cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đối với việc thu mua lương thực của Chương trình lương thực thế giới.
Tuyên bố về ứng phó khẩn cấp đối với tình trạng mất an ninh lương thực.
Tuyên bố về đối phó với các thách thức kiểm dịch và bảo vệ thực vật (SPS).
Quyết định về miễn trừ 1 phần quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs waiver) đối với vaccine covid 19 vì sức khỏe cộng đồng: các nước đang phát triển có quyền cho phép sử dụng bản quyền sáng chế để sản xuất và xuất khẩu vaccine covid 19 mà không cần sự đồng ý của người sở hữu bản quyền sáng chế trong 5 năm và có thể gia hạn.
Quyết định về gia hạn Chương trình làm việc về thương mại điện tử và duy trì thông lệ không đánh thuế đối với chuyển dịch điện tử (E-Com Moratorium).
Tuyên bố về ứng phó với đại dịch covid 19 và sẵn sàng cho các đại dịch trong tương lai.
Thông qua 2 quyết định cấp Đại hội đồng WTO về các nền kinh tế nhỏ và duy trì thông lệ không xử lý các khiếu nại không vi phạm hay tình huống trong Hiệp định TRIPs (TRIPs Moratorium).
Có thể nói “Gói Geneva” với các kết quả cụ thể nói trên là thắng lợi quan trọng, khẳng định vị trí và vai trò của WTO trong bối cảnh tổ chức này đang gặp nhiều thách thức to lớn. Kết quả của MC12 còn tạo điều kiện và nhen nhóm hy vọng cải tổ WTO trong tương lai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến chỉ trích, chưa hài lòng với các kết quả của MC12.
Với 164 thành viên, trong đó đa số là các nước đang phát triển và 9 nước kém phát triển, cho thấy mâu thuẫn giữa các cường quốc lớn trong WTO với các nước khác khó có thể dung hòa. Hơn thế nữa, hệ thống các định chế pháp lý của WTO đã cũ, già nua, đa số có tuổi đời mấy chục năm hay gần 100 năm nên đã lỗi thời về tính hiệu quả, không theo kịp và điều tiết những vấn đề mới của kinh tế thế giới đương đại như kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kết nối toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực….
Do đó, tương lai của WTO phụ thuộc rất lớn vào các cường quốc. Khả năng thứ nhất là các cường quốc có vai trò dẫn dắt cuộc chơi như Hoa Kỳ, sẽ thành lập ra 1 tổ chức mới, với hình thái, khung khổ hội nhập mới thay thế dần dần WTO. Khả năng thứ 2 là WTO vẫn được duy trì, nhưng phải bỏ phương pháp đồng thuận, theo đó, 1 số nước sẽ tách ra, đi trước, ai chậm hay còn lưỡng lự thì khi nào đủ điều kiện sẽ xin tham gia sau, như mô hình TPP trước đây.
Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế