Với lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh và nguồn nhân lực, Tuyên Quang đang bắt đầu tạo sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã có 20 dự án của 17 nhà đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư trên 340 triệu USD; tiếp nhận viện trợ từ nhiều đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang 25 dự án với tổng giá trị trên 1,4 triệu USD trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường...
Việc đưa vào sử dụng đường Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đang xây dựng Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, khiến địa phương này đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Đầu tháng 3/2024, tỉnh Tuyên Quang đã có thêm một dự án hơn 20 triệu đô (tương đương 478,8 tỷ đồng) của đối tác Nhật Bản đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được khởi công xây dựng. Dự án có quy mô 3,3 ha có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Dự kiến nhà máy sẽ vận hành năm 2025. Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với các dự án có quy mô, công nghệ hiện đại, đúng với xu thế phát triển và lợi thế của địa phương để tạo ra giá trị mới không chỉ góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định sự đúng đắn trong định hướng tăng trưởng xanh, bền vững của Tuyên Quang.
Nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, tỉnh đã ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đã triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Tuyên Quang tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như sản xuất gỗ, các sản phẩm gỗ, chế biến sâu khoáng sản, hàng dệt may, viên nén, hàng điện tử. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên thông…
Để tạo lợi thế thu hút đầu tư các cấp, các ngành của tỉnh đã nỗ lực hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc được phê duyệt tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế, theo đó phát huy hơn nữa các lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn nước ngoài.
Đức Lâm