USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,44% về mức 99,85 theo ghi nhận lúc 06h30 (giờ Việt Nam) sau khi tăng lên 100,52 trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Tỷ giá euro so với USD tăng 0,03% lên mức 1,0895. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,02% lên 1,3120.
Theo Investing, tỷ giá USD so với yen Nhật đã giảm 0,14% xuống 125,48 sau khi tăng lên tới 126,32, mức đỉnh trong gần 20 năm qua. Nguyên nhân là do USD có giảm nhẹ trở lại khi thị trường dồn sự chú ý đến cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào hôm nay.
Triển vọng tăng lãi suất nhanh chóng và quyết liệt của Cục Dự trữ Liên Bang (Fed) và kỳ vọng ngày càng tăng của thị trường rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ lãi suất cực thấp trong thời gian tới đã thúc đẩy sự sụt giảm của đồng yen so với USD trước đó.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda hôm qua đã cảnh báo sự gia tăng lạm phát gần đây do chi phí nhập khẩu cao hơn có thể gây tổn hại cho nền kinh tế đồng thời nhấn mạnh quyết tâm sẽ giữ chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhiều chuyên gia cũng nhận định xu hướng có thể thấy trong tương lai gần đối với đồng yen vẫn là giảm giá trị.
Mặc dù mới đây áp lực lạm phát hàng tháng của Mỹ thông qua dữ liệu được công bố có ghi nhận thấp hơn kỳ vọng nhưng thị trường vẫn đặt cược rằng Fed sẽ đẩy nhanh các biện pháp thắt chặt tiền tệ trong năm nay.
Dữ liệu giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 3 tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong một năm qua, càng củng cố kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
Nhờ đó mà giá trị đồng USD sẽ tiếp tục cải thiện so với các đồng tiền có lợi suất thấp như đồng euro và yen Nhật. USD đã tăng gần 3% tính trong tháng này và đang trên đà tăng hàng tháng lớn nhất trong 9 tháng tới.
Trong khi đó, đồng euro đã phục hồi lên mức 1,0895 sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua. Các nhà lập pháp Đức kêu gọi cấm vận đối với dầu mỏ của Nga càng sớm càng tốt.
Lệnh cấm vận này nếu được thực hiện sẽ càng ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng của khu vực. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng trước cuộc họp chính sách tại ECB vào hôm nay, cho rằng Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ tăng lãi suất với khoảng 70 điểm cơ bản vào cuối năm.
Ở một diễn biến khác, đô la Úc và nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu nhẹ so với USD sau khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc giảm đáng kể làm gia tăng lo ngại của thị trường về việc giảm cầu.
Ngoài ra, đồng đô la Canada (CAD) ghi nhận tăng giá sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào ngày 13/4. Đây được xem là động thái lớn nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Cơ quan này cũng phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất nhiều hơn để đối phó với lạm phát tăng cao.
Hoàng Quyên
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam