Cơ quan Thuế vụ Úc (ATO) chỉ rõ rằng thu nhập thặng dư từ tiền mã hóa là một trong bốn lĩnh vực trọng tâm cho thời điểm tính thuế năm nay.
Theo đó, ATO thông báo bất kỳ tài sản tiền mã hóa nào đã bán trong năm tài chính này, bao gồm các mã NFT, cần phải được ghi nhận lãi/lỗ trong tờ khai thuế.
Trợ lý thanh tra ATO Tim Loh cho biết, ATO đang nhắm vào những “khu vực có vấn đề”, nơi mà người dân thường mắc lỗi trong việc khai thuế.
“Tiền mã hóa là một loại tài sản phổ biến và chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều khoản lỗ/lãi được báo cáo trong các tờ khai thuế năm nay. Hãy nhớ rằng, bạn không thể lấy khoản lỗ từ tiền mã hóa để bù đắp tiền lương và tiền công của mình."
Úc được coi là quốc gia có chính sách tương đối thân thiện và ổn định với tiền mã hóa. Tuần trước, các quỹ đầu tư giao dịch ETF Bitcoin (BTC) và Ether (ETH) được quản lý bởi ETF Securities có trụ sở tại Sydney, kết hợp với 21Shares của Thụy Sĩ, đã bắt đầu giao dịch trên sàn giao dịch Cboe Australia.
ATO đã chỉ ra rằng tiền mã hóa là một loại tài sản phải chịu thuế thặng dư vốn (CGT). Điều này là do việc áp dụng tài sản kỹ thuật số ngày càng tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nghiên cứu mới nhất về các khoản đầu tư của người Úc cho thấy, 5% hoặc hơn 1 triệu người dân quốc gia này hiện sở hữu ít nhất một loại tiền mã hóa.
Cũng theo Tim Loh, thông qua các quy trình thu thập dữ liệu của ATO, cơ quan này biết được có rất nhiều người Úc đang mua, bán hoặc trao đổi tiền kỹ thuật số và tài sản kỹ thuật số. Vì vậy, điều quan trọng là mọi người cần hiểu các nghĩa vụ thuế đi kèm.
Các quy tắc thặng dư vốn cũng áp dụng cho tài sản và cổ phiếu được bán trong năm tài chính này. Các lĩnh vực trọng tâm khác của cơ quan thuế bao gồm lưu trữ hồ sơ, chi phí liên quan đến công việc, thu nhập từ cho thuê tài sản và các khoản khấu trừ.
ATO nhấn mạnh rằng sẽ có “hành động kiên quyết” đối với những người đóng thuế cố tình làm sai lệch hồ sơ.
Bên cạnh đó, ATO đã và đang làm rõ cách thức ứng xử về thuế đối với tiền mã hóa. Đối với mục đích thuế thu nhập, ATO coi tiền mã hóa như một loại tài sản được phép giữ hoặc giao dịch và không ngang bằng với tiền pháp định (fiat). Cơ quan này cho rằng, việc áp thuế đối với chủ sở hữu tiền mã hóa phụ thuộc vào mục đích mua hoặc nắm giữ đồng tiền này.
Trước đây, ATO đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm giải quyết việc trốn thuế tiền mã hóa. Ngoài ra, cơ quan thuế này cũng thu thập hàng loạt hồ sơ từ các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa tại Úc để tiến hành đối chiếu dữ liệu nhằm đảm bảo chủ sở hữu đang nộp thuế đúng cách.