Vay dưới 100 triệu đồng không cần phương án sử dụng vốn

16/07/2024 - 18:52
(Bankviet.com) Từ đầu tháng 7 này, người dân vay ngân hàng dưới 100 triệu đồng, sẽ không phải cung cấp phương án sử dụng vốn. Khách hàng chỉ cần cam kết mục đích sử dụng vốn hợp pháp.

Từ đầu tháng 7 này, người dân khi vay ngân hàng một khoản nhỏ, có giá trị dưới 100 triệu đồng, sẽ không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cam kết mục đích sử dụng vốn hợp pháp và đáp ứng về khả năng trả nợ là có thể được giải ngân. Điều này góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, kích cầu tiêu dùng, qua đó hạn chế "tín dụng đen".

Ghi nhận sau tuần đầu tiên quy định mới có hiệu lực, đã có nhiều khách hàng đến các quầy giao dịch để vay vốn. Như với chị Thuỷ, số tiền dưới 100 triệu đồng vay được, chị sẽ mua sắm một số đồ dùng thiết yếu có giá trị trong gia đình.

"100 triệu không phải là số tiền quá lớn, cũng có thể là chỉ mua được tivi máy giặt cao cấp thôi, hồ sơ mà quá phức tạp thì mình sẽ đi vay người thân họ hàng anh chị em hoặc bạn bè, nhưng mình cũng rất muốn tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng một cách đơn giản nhất", chị Ngô Thị Thanh Thuỷ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ.

Hiện nay dư nợ tín dụng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, cho thấy nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống là rất cao. Ngoài vay tiền để mua sắm, thì một nhu cầu cấp bách khác đó vay tiền để khám chữa bệnh. Trong khi trước đây, với lý do như vậy, nhiều người sẽ đi vay nóng người thân hoặc thậm chí vay tín dụng đen, do tâm lý e ngại chia sẻ về mục đích vay với ngân hàng. Với quy định mới, mối lo này được gỡ bỏ. Theo đó, khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định; có khả năng tài chính để trả nợ sẽ được các ngân hàng xét duyệt.

"Tại thời điểm ngày 30/6 thì tỷ trọng khoản vay dưới 100 triệu và thỏa mãn Thông tư 12 tại ngân hàng An Bình chiếm khoảng tầm 18% và 90% trong đó là đáp ứng được mục đích tiêu dùng. Khách hàng hoàn toàn có thể tiếp cận công nghệ, không cần cung cấp bất kỳ một cái giấy tờ hồ sơ giấy nào cả. Về phía ngân hàng, thay vì phải chuẩn bị những cơ sở vật chất hoặc là con người để vận hành những giấy tờ đấy, thì bây giờ chúng tôi có thể số hóa và giảm chi phí. Chi phí đấy chúng tôi lại dùng để tái đầu tư, cũng như là tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng nền tảng số", bà Đỗ Mỹ Hạnh - Giám đốc Cao cấp Giải pháp sản phẩm, Ngân hàng An Bình cho hay.

Để bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc và lãi, các ngân hàng cho biết, sẽ tăng cường biện pháp kiểm soát rủi ro: như xây dựng hệ thống liên tục đánh giá điểm xếp hạng tín dụng cá nhân, xây dựng hệ thống nhận diện gian lận từ sớm, ứng dụng công nghệ số để thu thập và đánh giá tối đa về khả năng trả nợ của khách hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã tính các phương án ngăn chặn tình trạng 1 khách hàng vay nhiều lần các khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng để tránh phải chứng minh phương án sử dụng vốn.

Ông Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho hay: "Có lịch sử tín dụng tốt, chi tiêu tốt và trả nợ đúng hạn đầy đủ thực hiện tuân thủ đúng nghiêm ngặt thì lúc này hoàn toàn có thể gia tăng hạn mức lên số tiền nó thể lên tới 200 hoặc vài ba trăm triệu".

"Dư nợ cho vay mảng tiêu dùng chiếm khoảng hơn 20%. Các ngân hàng được tháo gỡ về điểm nghẽn này sẽ giúp cho tăng trưởng tín dụng về mảng cho vay tiêu dùng, đồng thời cũng có những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ cụ thể hơn và nâng cao hơn đối với những cá nhân tổ chức tham gia việc thẩm định các khoản vay cũng như là về tài sản đảm bảo", ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết.

Ngoài sửa đổi quy định với khoản vay nhỏ theo hướng thuận lợi hơn như đã nêu ở trên thì trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư cho phép các ngân hàng được chủ động các giải pháp công nghệ cho vay qua mạng.

Ngân hàng sẽ tự quyết định các biện pháp kỹ thuật để thẩm định khách hàng nhằm phòng ngừa rủi ro cho vay trực tuyến. Qua đó giúp việc giải ngân các khoản vay nhỏ linh động và nhanh chóng hơn, hạn chế tín dụng đen.

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ