VCFTA: Đòn bẩy cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam - Chile

28/12/2023 - 22:19
(Bankviet.com) Sau 10 năm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA), quan hệ thương mại song phương đã tăng đáng kể. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,06 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2019, trong khi thương mại của Chile với thế giới giảm 6,4%.
FTA Việt Nam – Chile: Tạo cú huých cho quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Chile: Tăng cường trao đổi thương mại bất chấp đại dịch

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ký kết VCFTA, ngày 19/5, Thương vụ Việt Nam tại Chile phối hợp với Phân bộ Quan hệ kinh tế Quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile (SUBREI) và Phòng Thương mại Santiago tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Chile năm 2021 dưới hình thức trực tuyến.

VCFTA: Đòn bẩy cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam - Chile
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Chile năm 2021 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến

Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971, Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên có mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong suốt 50 năm qua, quan hệ hai nước đã ngày càng phát triển tốt đẹp và từng bước nâng lên tầm cao mới. Đặc biệt, hai bên đang triển khai các biện pháp để cụ thể hóa để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện thông qua việc ký các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học công nghệ… Trong đó nổi bật là các cơ chế hợp tác trong lĩnh vực thương mại như VCFTA có hiệu lực từ tháng 1/2014; Hội đồng thương mại tự do Việt Nam – Chile rà soát các vướng mắc trong quá trình thực thi các FTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong đó Việt Nam và Chile đều là hai nước thành viên.

Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, Bộ Ngoại giao Chile - Rodrigo Yañez - đánh giá, VCFTA đã giúp thương mại song phương tăng trưởng trung bình 6,5%. Theo thống kê của Chile, năm 2020, bất chấp bối cảnh đại dịch do Covid-19 gây ra, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,06 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2019, trong khi thương mại của Chile với thế giới giảm năm 2020 6,4%. Ngoài ra, trong khi tổng nhập khẩu của Chile với thế giới giảm 15% thì nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng 3,7%.

Không nghi ngờ gì nữa, VCFTA là một công cụ hữu ích cho tăng trưởng thương mại song phương”- Thứ trưởng Rodrigo Yañez khẳng định.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Chile sang Việt Nam là: Gỗ thông xẻ, đạt 60 triệu USD; tiếp theo là cá hồi Thái Bình Dương với giá trị 19 triệu USD; cá hồi vân với giá 17 triệu USD; Cá hồi Đại Tây Dương 17 triệu USD; và bột cá giá trị 17 triệu USD... Xuất khẩu trái cây của Chile sang Việt Nam đạt 13 triệu USD, giảm đáng kể -33% so với năm 2019. Tương tự như vậy, xuất khẩu rượu vang đóng chai của Chile còn 5,4 triệu USD, với mức giảm -51% so với năm 2019.

Thứ trưởng Rodrigo Yañez nhấn mạnh, mục tiêu hướng tới một thập kỷ quan hệ chính trị và thương mại mới giữa hai nước, Chile hi vọng sẽ trở thành một đối tác thân thiết hơn nữa của Việt Nam.

Về phía Việt Nam, tại diễn đàn, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã giới thiệu tổng quan bức tranh về nền kinh tế Việt Nam, cũng như những thành tựu về phát triển kinh tế ấn tượng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng giới thiệu hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi hóa cho thương nhân và nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tính mở của nền kinh tế Việt Nam thông qua hàng loạt những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)...

Với thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như điện thoại di động, dệt may, giày dép, thủy sản ,cà phê, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, nội thất, các sản phẩm chống dịch Covid-19 như đồ bảo hộ, khẩu trang… và các mặt hàng thế mạnh của Chile sang Việt Nam như: cá hồi, rượu vang, hoa quả, dầu cá, nguyên vật liệu sản xuất…, Thương vụ Việt Nam tại Chile khuyến nghị doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ VCFTA cũng như Hiệp định CPTPP khi được Chile phê chuẩn trong thời gian tới.

Sau phiên toàn thể là các phiên giao thương trực tiếp giữa Thương vụ với các nhà nhập khẩu Chile chia theo ngành hàng như: cá ngừ, bàn ghế văn phòng, bao bì tái sử dụng, cà phê, gạo, hoa quả đóng hộp, đồ bảo hộ phòng chống Covid-19…

Thu Phương

Theo: Báo Công Thương