VinFast lựa chọn lựa chọn Indonesia làm điểm “xuất quân” trong cuộc tiến công thị trường châu Á |
Trong một hồ sơ mới đây gửi Uỷ ban Chứng khoán Mỹ, VinFast cho biết sẽ đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong đó, 200 triệu USD sẽ được dùng để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện tại đây. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026 với sản lượng khoảng 30.000 - 50.000 xe mỗi năm.
Nhà máy tại Indonesia sẽ là nhà máy thứ ba của VinFast, bên cạnh nhà máy chính ở thành phố Hải Phòng, Việt Nam và một nhà máy mới ở Bắc Carolina, Mỹ - dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Theo Reuters, hãng xe điện Việt Nam còn có kế hoạch mở rộng thêm 7 thị trường nữa ở châu Á. Hãng tin này nói thêm, VinFast đã lên kế hoạch tăng cường hiện diện tại Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, châu Phi và khu vực Mỹ - Latinh. Còn tại châu Âu, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tiến hành “đánh chiếm” khu vực này khi xác định được từ 40 đến 50 thị trường tiềm năng.
VinFast đặt mục tiêu phát triển mạng lưới các nhà phân phối riêng, đồng thời mở thêm các showroom trưng bày tại các thị trường nói trên.
Bình luận về lý do khiến VinFast lựa chọn Indonesia làm điểm “xuất quân” trong cuộc tiến công thị trường châu Á, Reuters chỉ ra rằng, quốc gia có 270 triệu dân này là một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và đang nỗ lực thu hút các nhà sản xuất xe điện toàn cầu. Reuters nhấn mạnh, đất nước này có nguồn cung niken dồi dào, thành phần chính để làm nên pin xe điện.
Theo tìm hiểu, số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ cho thấy, Indonesia là nước có trữ lượng nicken lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, chiếm 22% trữ lượng toàn cầu. Quốc gia này đứng đầu về sản xuất khi một mình chiếm tới 39% sản lượng niken trên thế giới, xếp trên Philippines, Nga hay Úc.
Điều này khiến cho hàng loạt các “ông lớn” trong lĩnh vực ô tô điện như BYD hay Tesla cũng đều đang xúc tiến việc mở nhà máy tại quốc gia này, bởi lẽ, nắm giữ được nguyên liệu sản xuất pin chẳng khác nào nắm giữ “chìa khoá” phát triển hoạt động sản xuất xe điện. Pin chính là linh kiện đắt nhất, chiếm đến 1/3 giá thành trên mỗi chiếc xe điện.
Reuters cũng nhắc lại những chia sẻ mới đây của lãnh đạo VinFast tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN diễn ra tại Jakarta. Theo đó, CEO Lê Thị Thu Thủy chia sẻ rằng, hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast.
Trong đó, bà Thuỷ đề cập tới Indonesia, đất nước giàu niken (kim loại quan trọng trong sản xuất pin xe điện) và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á, như một lý do để lạc quan về ngành xe điện ở ASEAN.
Cùng với đó, vị CEO này cũng nhắc tới những liên doanh sản xuất xe điện ở Malaysia và Thái Lan. Từ góc nhìn chuỗi cung ứng, bà Thuỷ nhận định VinFast có thể nhập tất cả linh kiện từ khu vực Đông Nam Á, từ đó “biến ngành xe điện của ASEAN trở nên lớn mạnh và xuất khẩu xe điện đến phần còn lại của thế giới”.
Trong khi đó, theo Bloomberg, việc VinFast lựa chọn Indonesia không nhằm phát triển sản xuất mà còn để khai thác thị trường tiềm năng này. Hãng tin này dẫn số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Indonesia (GAIKINDO) cho thấy, doanh số xe điện tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đã tăng mạnh trong 3 năm qua. Điều này thể hiện xu hướng sử dụng xe điện ngày càng tăng ở nước này, cũng là cơ hội cho VinFast triển khai hoạt động kinh doanh.
Nếu như trong năm 2010, chỉ có 125 chiếc xe điện được bán ra tại quốc gia này thì con số này đã tăng gấp 5 lần trong năm 2021, đạt 687 xe. Đến năm 2022, doanh số xe điện đã vọt lên mức 10.327 xe vào năm 2022. Nửa đầu năm 2023, quốc gia này ghi nhận có 5.850 xe điện bán ra.
Mặt khác, chính phủ Indonesia cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động phát triển xe điện cho mục đích sử dụng hàng ngày bằng cách công bố khoản trợ giá lên đến 10% cho người mua xe điện trong giai đoạn này.
Bloomberg nói thêm, mặc dù đã có một số thương hiệu gia nhập thị trường Indonesia trước VinFast nhưng hiện tại, chỉ có hai cái tên chiếm lĩnh được thị phần lớn là Wuling Motors và Hyundai, điều này mở ra cơ hội cạnh tranh cho hãng ô tô điện Việt Nam tại quốc gia này.
Theo số liệu của GAIKINDO, năm 2022, Wuling Motors hiện đang nắm giữ 75% thị phần xe điện của Indonesia, theo sau là Hyundai với 20% (toàn bộ doanh số là của xe điện Ioniq 5). Trong khi đó, hãng xe xếp thứ ba là Toyota chỉ chiếm vỏn vẹn 1,4% thị phần.
Tại triển lãm GIIAS hồi tháng 8 vừa qua, Wuling Air EV chính là dòng xe bán chạy nhất với doanh số đạt 885 chiếc, còn xếp ở vị trí thứ hai với 776 xe là Hyundai Ioniq 5. Được biết, một chiếc Wuling Air EV có giá từ khoảng 15.800 - 19.500 USD, còn giá một chiếc Hyundai Ioniq 5 dao động trong khoảng từ 44.350 - 50.930 USD.
Theo Bloomberg, VinFast dự định sẽ đưa 2 model là VF3 và VF5 “tấn công” thị trường Indonesia. Hãng tin này đánh giá, dòng xe VF3 hoàn toàn có thể trở thành đối thủ chính của Wuling Air EV, còn VF5 sẽ bổ sung thêm một lựa chọn giá mềm, kích thước nhỏ gọn cho việc di chuyển trong các khu vực đô thị vốn chật hẹp và thường xuyên tắc đường tại Indonesia.
Cổ phiếu VinFast tiếp tục trượt dốc, chứng khoán Mỹ chờ đợi dữ liệu lạm phát Trong phiên giao dịch hôm qua 11/9, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tương đối giằng co thể hiện tâm lí cẩn trọng của ... |
Chiếc xe máy với diện mạo "vượt mặt" vua tay ga: Giá bán "làm khó" VinFast Vừa qua hãng xe Yadea đã chính thức cho ra mắt dòng xe máy điện thông minh Voltguard mang nét thể thao, hiện đại, mang ... |
Cổ phiếu Vinfast tạo đáy, chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau khi CPI cao hơn dự báo Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ được công bố cao hơn dự báo, thị trường chứng khoán của nước ... |
Hà Lê