Vì sao 79.000 tỷ đồng “bốc hơi” sau 1 đêm?

23/09/2023 - 17:00
(Bankviet.com) Một “Ngày thứ Sáu đen tối” nữa lại đến với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là phiên giao dịch 22/9 khi chỉ số VN-Index bất ngờ rơi tự do.
Cổ phiếu bất động sản lao dốc, VN-Index mất gần 15 điểm Cổ phiếu chứng khoán quay đầu giảm la liệt: VN-Index mất hơn 13 điểm

Chỉ sau 1 đêm, 79.000 tỷ đồng “bốc hơi” khoản sàn chứng khoán. Tính chung cả tuần, mất mát lên đến 133.000 tỷ đồng.

Ngày thứ Sáu đen tối, 79.000 tỷ đồng “bốc hơi”

Nhà đầu tư chứng khoán “cháy túi” khi VN-Index đã trải qua một tuần đầy khó khăn. Chào tuần mới (phiên giao dịch 18/9), VN-Index đang mang tới tín hiệu tiêu cực khi giảm hơn 15 điểm, lùi gần mốc 1.200 điểm.

Tuy nhiên, khi rơi vào vùng hỗ trợ quan trọng, đà giảm của VN-Index chững lại trong 3 phiên tiếp theo. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, áp lực bán đã tăng mạnh, vượt qua dự báo của giới đầu tư.

Một “Ngày thứ Sáu đen tối” nữa lại đến với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là phiên giao dịch 22/9 khi chỉ số VN-Index bất ngờ rơi tự do. Đà bán tháo xuất hiện ngay từ đầu phiên. Đỉnh điểm là tới đầu phiên chiều, VN-Index mất gần 40 điểm. Tới cuối ngày, lực cầu bắt đáy xuất hiện đã “cầm máu” được thị trường nhưng VN-Index vẫn giảm rất mạnh, giảm 19,69 điểm, tương đương 1,62% xuống 1.193,05 điểm.

Vì sao 79.000 tỷ đồng “bốc hơi” sau 1 đêm?
Chỉ sau 1 đêm, 79.000 tỷ đồng “bốc hơi” khoản sàn chứng khoán. Tính chung cả tuần, mất mát lên đến 133.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

VN-Index đã trở thành một trong những chỉ số chính có đà “lao dốc” mạnh nhất thị trường châu Á trong ngày cuối tuần.

Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, nguyên nhân chính “nhấn chìm” VN-Index trong phiên 22/9 là nhà đầu tư lo ngại về các thông tin như: Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút 10.000 tỷ đồng và thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên 21/9.

VN-Index giảm mạnh khiến nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng “Ngày thứ Sáu đen tối”, vốn hóa thị trường sàn TP HCM đã mất 78.845 tỷ đồng (khoảng 3,22 tỷ USD). Còn nếu tính chung cả tuần, sự mất mát cao hơn rất nhiều, lên đến 133.483 tỷ đồng (khoảng 5,4 tỷ USD).

Mirae Asset dự báo do đã giảm mạnh, VN-Index có thể tiếp tục diễn biến hồi phục trong những phiên đầu tuần sau nhưng nhà đầu tư cần lưu ý mốc 1.200 hiện tại đã trở thành ngưỡng cản cho đà hồi phục ngắn hạn này. Theo Mirae Asset, khả năng VN-Index có thể kiểm định lại vùng 1.175 vẫn đang hiện hữu.

Nhóm chứng khoán lao đao

Trong tuần này, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán lao đao nhất khi nhiều mã đồng loạt giảm sâu.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, rất nhiều cổ phiếu chứng khoán đồng loạt giảm sàn như VND, AGR, APG, BSI, CTS, FTS, HCM, ORS và VIX.

Đóng cửa phiên 22/9, cổ phiếu VND giảm sàn, giảm 1.650 đồng/CP xuống 22.550 đồng/CP. Tính chung cả tuần, VND giảm 1.450 đồng/CP, tương đương 6% so với cuối tuần trước. VND khiến vốn hóa thị trường Công ty chứng khoán Vndirect giảm 1.766 tỷ đồng.

VND giảm sâu trong bối cảnh Vndirect có nhiều xáo trộn như bà Vũ Nam Hương - Giám đốc tài chính kiêm người đại diện theo pháp luật của Vndirect bán ra toàn bộ 728.000 cổ phiếu VND đang sở hữu, chiếm tỷ lệ 0,06% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, bà Phạm Minh Hương trở lại làm Chủ tịch HĐQT Vndirect sau 5 tháng giữ chức Tổng Giám đốc. Bà Phạm Minh Hương được coi là linh hồn của Vndirect.

Chốt tuần, HCM dừng ở mức 31.850 đồng/CP, giảm 2.600 đồng/CP, tương đương 7,55% so với cuối tuần trước. Vì vậy, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh mất 1.191 tỷ đồng.

Mới đây, HCM gây chú ý khi bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt 60 triệu đồng vì sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt chứng khoán cổ phiếu VDS giảm sàn trong phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, VDS giảm 1.200 đồng/CP, tương đương 6,6%. Vốn hóa thị trường VDS hao hụt 252 tỷ đồng.

Một trong những cổ phiếu ngành chứng khoán được quan tâm nhiều thời gian qua là AGR của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank. Từ đầu năm, AGR đã tăng 160%. Tuy nhiên, trong tuần này, AGR cũng không thể cưỡng lại được xu hướng chung của toàn thị trường khi giảm sàn phiên 22/9.

Đóng cửa tuần, AGR dừng ở mức 18.000 đồng/CP, giảm 1.250 đồng/CP, tương đương 6,5%. AGR khiến vốn hóa thị trường Chứng khoán Agribank mất 269 tỷ đồng.

Có thể thấy, nửa đầu năm 2023 là khoảng thời gian cổ phiếu ngành chứng khoán có nhiều biến động lớn với xu hướng đi lên là chủ yếu. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần này, những khó khăn lớn thực sự bắt đầu lộ diện với ngành chứng khoán.

Hoàng Tú

congluan.vn

Theo: Báo Công Thương