Vì sao dự án FLC ở Gia Lai phải chuyển hồ sơ sang Bộ Công an?

09/08/2024 - 03:46
(Bankviet.com) Nhiều dự án tại TP. Pleiku (Gia Lai) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, bị Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển hồ sơ sai phạm sang Bộ Công an điều tra, làm rõ.
Khởi tố 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Bộ Công an thông tin mới nhất vụ bắt Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai Bộ Công an thông tin về sai phạm khiến cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc bị bắt

Hợp thức hóa dự án

Ngày 8/8, theo nguồn tin của Báo Công Thương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra “Về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Kết luận này, đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra sai phạm tại dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Iakring, TP. Pleiku (Gia Lai) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, trên diện tích là 3,1 ha. Dự có tổng vốn đầu tư hơn 760 tỷ đồng.

Vì sao dự án FLC ở Gia Lai phải chuyển hồ sơ sang Bộ Công an?
Dự án FLC 29 Nguyễn Văn Cừ (TP Pleiku, Gia Lai) bị đề nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an. (Ảnh: Hồng Phong)

Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện dự án có nhiều vi phạm, hợp thức hóa cho chủ đầu tư. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá, có dấu hiệu chèn thêm số văn bản để hợp thức hoá cho việc UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể trước đó. Sở này ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể trước khi có quyết định phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP, ngày 4/4/2015 của Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Tư pháp và Nghị định của Chính phủ.

UBND TP. Pleiku ra Quyết định số 1653/QĐ-UBND, ngày 16/8/2019 đưa ra các tiêu chí đấu giá quá cao so với quy mô của dự án, đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác nên sau 2 lần tổ chức đấu giá chỉ có duy nhất Công ty FLC đăng ký; việc làm của UBND TP. Pleiku nhằm tạo lợi thế cho Công ty FLC được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá với giá khởi điểm, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước.

Tiếp đó, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch, bổ sung thêm hạng mục nhà phố thương mại là không phù hợp với mục đích, công năng của khu đất theo quy hoạch trước đó đã được phê duyệt. UBND TP. Pleiku điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng không lập kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, không lấy đầy đủ ý kiến cộng đồng dân cư, không công khai theo quy định, vi phạm trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị.

Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018 khu đất thực hiện dự án có mục đích là đất cơ sở văn hoá, nhưng năm 2019, UBND TP. Pleiku phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị, nhà phố thương mại đã vi phạm Luật Đất đai 2013 làm cho quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không phù hợp. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trong đó thay đổi chức năng khu đất (từ trung tâm hội chợ triển lãm và các công trình thương mại, dịch vụ, siêu thị) là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Dự án này có thêm 10 vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như: Không thực hiện gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với diện tích 7.406,8 m² vi phạm Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, gây thất thu ngân sách nhà nước số tiền 112,417 triệu đồng...

Vì sao dự án FLC ở Gia Lai phải chuyển hồ sơ sang Bộ Công an?
Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện dự án có nhiều vi phạm. Ảnh: Hồng Phong

Các hạng mục công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phải thực hiện xong trước 21/5/2020, để bàn giao cho UBND TP. Pleiku. Tuy nhiên, các hạng mục này thi công chậm tiến độ, nhưng UBND tỉnh không yêu cầu Công ty nộp tiền thuê đất sau thời hạn được quy định đã làm thất thu ngân sách Nhà nước là 1,324 tỷ đồng.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, UBND TP. Pleiku, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã buông lỏng quản lý không có biện pháp kiên quyết để yêu cầu Công ty nộp vào ngân sách địa phương khoản tiền dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tương ứng với 14,2 tỷ đồng là vi phạm Nghị định của Chính phủ. Các cơ quan này cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi Công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính đã vi phạm Nghị định số 43 của Chính phủ.

Việc UBND tỉnh Gia Lai ủy quyền cho UBND TP. Pleiku ban hành quyết định phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất và UBND TP. Pleiku phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 là vi phạm Luật Đất đai năm 2013. Đến tháng 01/2022 dự án chậm tiến độ, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư buông lỏng quản lý, không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ với số tiền 5,8 tỷ đồng là vi phạm Nghị định 118 (năm 2015) và Nghị định số 31 (2021) của Chính phủ.

Đồng thời, có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ về lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể là Công ty Cổ phần Thông tin và thẩm định giá Miền Nam. Chia tách dự án không đúng chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết đã ban hành. Trong thành phần Hội đồng thẩm định giá đất, bảng giá đất tỉnh có Công ty Cổ phần Thông tin và thẩm định giá Miền Nam mà không phải đơn vị có chức năng tư vấn xác định giá đất khác để thẩm định chứng thư định giá đất là không khách quan, vi phạm Nghị định số 44 năm (2014) của Chính phủ. Tách thửa đất để cấp riêng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 90 thửa đất khi chưa thực hiện xong việc xây dựng nhà ở là trái với quy định tại khoản 1 Điều 26 và Điều 72 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trên thuộc Chủ tịch UBND TP. Pleiku, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Công ty cổ phần thông tin và thẩm định gia Miền Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ, cần cung cấp thông tin tới Bộ Công an để xử lý theo quy định.

Ngoài dự án FLC ở 29 Nguyễn Văn Cừ, Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin đến Bộ Công an để điều tra sai phạm tại dự án điện gió, gồm: Dự án nhà máy điện gió Phát triển Miền núi do Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy điện gió Chế biến Tây nguyên do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển phong điện Gia Lai làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy điện gió Chơ Long do Công ty Cổ phần Phong điện Chơ Long làm chủ đầu tư và Dự án Nhà máy điện gió Yang Trung do Công ty Cổ phần Phong điện Yang Trung làm chủ đầu tư.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh Gia Lai để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước, nhất là các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc là đất trúng đấu giá..

Hồng Phong

Theo: Báo Công Thương