Thị trường Nhật Bản sụp đổ ngay sau đó, giảm 60% chỉ trong vài năm. Nền kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài, dẫn đến cái được gọi là “thập kỷ mất mát” khi tốc độ tăng trưởng của quốc gia này tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển khác, một hiện tượng thậm chí còn được gọi là “Nhật Bản hóa”.
Tuy nhiên, bất chấp đợt tăng giá gần đây trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, các dữ liệu kinh tế khác của nước này trông không mấy khả quan. Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý trước, sau khi nền kinh tế nước này suy giảm 0,4% tính theo tỷ lệ hằng năm, điều đó có nghĩa là nước này đã có hai quý liên tiếp GDP giảm, bất kể các nhà kinh tế có chính thức gọi đó là suy thoái hay không. Nhật Bản cũng tụt một bậc trong bảng xếp hạng GDP toàn cầu, rơi xuống vị trí thứ tư sau Đức tính theo đồng USD.
Đất nước này phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế. Đồng Yên yếu đang khiến hàng nhập khẩu vào Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn, gây tổn hại cho người tiêu dùng Nhật Bản và các công ty phụ thuộc vào năng lượng, thực phẩm và các hàng hóa khác từ nước ngoài. Dân số Nhật Bản cũng đã giảm trong 14 năm liên tiếp, ghi nhận mức giảm mạnh nhất vào năm ngoái.
Nhưng các nhà đầu tư dường như không quan tâm đến những điều này, vì thu nhập cao và sự tập trung trở lại vào quản trị doanh nghiệp đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài như Warren Buffett đổ tiền vào thị trường Nhật Bản. Một nền kinh tế phát triển như Nhật Bản không phải lúc nào cũng tăng trưởng điên cuồng, và điều đó còn hơn cả ổn.
Vì sao thị trường chứng khoán Nhật Bản lại có kết quả hoạt động tốt như vậy?
Theo Louis Kuijs, kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, việc thị trường chứng khoán Nhật Bản quay trở lại mức cao kỷ lục thực sự đang bù đắp cho khoảng thời gian đã mất “sau một thời gian dài hoạt động khá chậm chạp”.
Tháng trước, Toyota Motor đã lập kỷ lục về mức định giá thị trường cao nhất cho một công ty Nhật Bản khi đạt mức định giá 48,7 nghìn tỷ Yên (323,5 tỷ USD), vượt qua kỷ lục do Công ty viễn thông Nhật Bản NTT thiết lập vào năm 1987.
Toyota hiện có giá trị 57,5 nghìn tỷ Yên, tương đương 381,6 tỷ USD, trong khi giá trị của NTT là 16,4 nghìn tỷ yên (108,6 tỷ USD).
Theo tờ New York Times, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bơm tiền vào thị trường chứng khoán Nhật Bản, trong tháng 1 vừa rồi đã bơm ròng tới 14 tỷ USD.
Một lý do khiến các nhà đầu tư lạc quan về Nhật Bản là khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, thu nhập trong quý cuối cùng của năm 2023 cao hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó một phần là do đồng Yên yếu, khiến hàng xuất khẩu của Nhật Bản từ các công ty như Toyota trở nên rẻ hơn ở nước ngoài.
Thị trường Nhật Bản cũng đang thúc đẩy các tập đoàn lớn mạnh của đất nước, được gọi là keiretsu, củng cố lại cơ cấu tổ chức phức tạp của họ.
Herald van der Linde, Giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Á của HSBC, đã viết vào cuối tháng 1: “Bất cứ ai từng nhìn thấy cấu trúc công ty keiretsu điển hình sẽ hiểu - nó trông giống như một bát mì ramen”. “Những cấu trúc công ty phức tạp này thường đi kèm với những yếu tố bổ sung như lợi nhuận trên vốn yếu, mức chi trả thấp và số lần mua lại cổ phiếu ít hơn”.
Sự thiếu năng động đó được phản ánh trong danh sách Global 500 của Fortune, bảng xếp hạng các công ty lớn nhất thế giới theo doanh thu.
Sự hiện diện của Nhật Bản trong danh sách, vốn đã giảm đáng kể kể từ khi bắt đầu xếp hạng vào năm 1995, không bao gồm các công ty phiên bản kiểu Meta, Tesla hoặc Alibaba. Công ty Nhật Bản gần đây nhất tham gia danh sách, Toyota Tsusho, đã nằm trong danh sách Global 500 trong 15 năm, cũng chỉ ở vị trí nửa sau của danh sách.
Nhưng điều đó đang thay đổi. “Sự năng động đang trở lại với nền kinh tế Nhật Bản,” các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một báo cáo nghiên cứu hồi đầu tuần. Họ cho biết: “Các công ty đang chứng kiến lợi nhuận kỷ lục và đang thay đổi hành vi định giá, cũng như đổi mới các chiến lược mới để phát triển”.
Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cũng đang làm phần việc thuộc chức năng của mình. Năm ngoái, sàn giao dịch đã yêu cầu các công ty phải làm nhiều hơn để cải thiện lợi nhuận và giá trị định giá, đồng thời bắt đầu xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ chặt chẽ giữa công ty mẹ, công ty con và các cổ phần chéo khác.
Vào tháng 1, sàn giao dịch Tokyo cho biết sẽ bắt đầu công bố các công ty có kế hoạch cải thiện hiệu quả sử dụng vốn theo chiến lược “tên tuổi và sự xấu hổ”. Sàn giao dịch cũng đề xuất rằng các công ty không hoạt động tốt có thể bị hủy niêm yết vào năm 2026.
Còn nền kinh tế Nhật Bản thì sao?
Tuy nhiên, trong khi khu vực doanh nghiệp có vẻ lạc quan thì các bộ phận khác của nền kinh tế Nhật Bản lại có vẻ lung lay hơn. Tiêu dùng tư nhân giảm 0,2% trong quý cuối năm 2023 so với quý trước. Đầu tư kinh doanh cũng giảm 0,1% so với cùng kỳ.
Dân số ngày càng giảm của Nhật Bản cũng đặt ra thách thức kinh tế lớn trong dài hạn. Độ tuổi trung bình của Nhật Bản hiện nay là 49,1 tuổi, so với 38,1 ở Mỹ. Nhật Bản sẽ sớm phải dựa vào số lượng người trong độ tuổi lao động ít hơn để hỗ trợ dân số già ngày càng tăng. Tokyo coi vấn đề này là “một thách thức không thể trì hoãn”, nhưng các chính sách hiện hành vẫn chưa thể đảo ngược tình trạng suy giảm này.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lạc quan một cách thận trọng rằng Nhật Bản có thể đảo ngược tình trạng giảm phát kéo dài và trở lại là một nền kinh tế bình thường. Các nhà phân tích chỉ ra rằng lương tăng trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt hơn, với việc các công ty lớn như Toyota, Nintendo và chủ sở hữu Uniqlo Fast Retailing tăng lương vào năm ngoái.
Nhiều nhà kinh tế, trước khi Nhật Bản công bố dữ liệu kinh tế sơ bộ vào tuần trước, đã kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất vào tháng 4 - lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007.
Tuy nhiên, suy thoái bất ngờ có thể ảnh hưởng đến lịch trình đó. Kuijs gợi ý: “Những con số tăng trưởng GDP gần đây chắc chắn là một bước thụt lùi đối với triển vọng lãi suất tăng lên”.
Tuy nhiên, “nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, chúng ta có thể đang trên đường hướng tới tăng trưởng tiền lương bền vững hơn trên thị trường lao động, củng cố lạm phát bình thường hơn và do đó có một chính sách tiền tệ bình thường hơn,” ông nói.
Nhà kinh tế này cũng lưu ý rằng, đối với tất cả các tin tiêu cực về Nhật Bản trong vài thập kỷ qua, dữ liệu kinh tế của nước này “không đến nỗi tệ”, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người và năng suất mỗi giờ làm việc của mỗi người nói riêng. Và cuối cùng, các nhà quan sát nên thực tế về những gì một nền kinh tế trưởng thành có thể làm được.
Ông Kuijs nói: “Đừng mong chờ mức tăng trưởng GDP thực tế có thể cao hơn 1% trong dài hạn”.
H.Y