Việt Nam - Điểm sáng kinh tế khu vực ASEAN

07/09/2024 - 15:07
(Bankviet.com) Tại Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” năm 2024 do UOB tổ chức sáng 6/9, các chuyên gia nhận định, Việt Nam là điểm sáng kinh tế của khu vực ASEAN.
Việt Nam là đối tác số một của Peru trong khu vực ASEAN Việt Nam ủng hộ, đề xuất ASEAN thúc đẩy các nước có vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư SEANWFZ Thúc đẩy kết nối các nền kinh tế, nâng cao tự cường của khu vực ASEAN

Hội nghị kinh tế khu vực mang tên “Gateway to ASEAN” năm 2024 đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh sáng 6/9. Hội nghị năm nay quy tụ hơn 600 khách mời là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Hồng Kông và Trung Quốc cùng đại diện các cơ quan ban ngành tại Việt Nam.

ASEAN - Cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới

Với chủ đề “ASEAN - Cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới”, Hội nghị đã nêu bật tiềm năng to lớn của khu vực ASEAN, các động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đổi mới trong phát triển bền vững và quản lý chuỗi cung ứng. Hội nghị cũng thảo luận về các cơ hội tăng trưởng và đầu tư cho các công ty đang kinh doanh bên trong ASEAN hoặc có kết nối với khu vực ASEAN, đặc biệt là tại Việt Nam - một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng trong khu vực, cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư và mở rộng kinh doanh trong khu vực.

Theo các chuyên gia, ASEAN là một khu vực kinh tế kết nối, trẻ và năng động với quy mô dân số hơn 700 triệu người với nhiều nền văn hóa đa dạng, có nhiều thế mạnh và cơ hội kinh tế. Ông Wee Ee Cheong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng UOB (Singapore) - cho rằng, theo quan sát của UOB, có ba thành tố thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của ASEAN. Cụ thể là các chính sách của chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, xu hướng phi tập trung chuỗi cung ứng sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại, và các ngành công nghiệp giúp đẩy mạnh nền kinh tế xanh.

Việt Nam - Điểm sáng kinh tế khu vực ASEAN
Đại diện UOB phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Minh Khuê

Theo ông Ee Cheong, với chuyên môn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết về thị trường địa phương, UOB đã giúp khách hàng của mình trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính cho toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, tận dụng dòng vốn xuyên biên giới để nắm bắt các cơ hội trên khắp khu vực và triển khai các sáng kiến bền vững để hỗ trợ các mục tiêu khử carbon.

“Vào năm 2011, chúng tôi đã thành lập các trung tâm tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của chúng tôi để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua. Theo đó, các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đôla Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam” - ông Wee Ee Cheong chia sẻ.

Việt Nam - Điểm sáng kinh tế khu vực ASEAN
Các chuyên gia chia sẻ và thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Minh Khuê

Việt Nam có lợi thế gì trong thu hút đầu tư?

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng thảo luận về các lợi thế của Việt Nam trong khu vực. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc+1”.

Nhận định chung về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Victor Ngo - Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam - cho biết: Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

“Vai trò của UOB là đơn vị xúc tác và hỗ trợ. Với mạng lưới rộng khắp khu vực và sự kết nối với các cơ quan chính phủ, các nhà đầu tư và hệ sinh thái đối tác cho phép chúng tôi hỗ trợ tốt các doanh nghiệp tại Việt Nam và ASEAN. Với cam kết lâu dài đối với khu vực cùng sự đầu tư liên tục vào Việt Nam, UOB sẵn sàng giúp các doanh nghiệp tự tin vượt qua các thách thức khi đầu tư vào Việt Nam cũng như mở rộng kinh doanh ra khu vực thông qua Việt Nam”- ông cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia mở cửa thương mại thứ ba trong ASEAN, sau Singapore và Thái Lan (gấp 1,9 lần GDP so với lần lượt là 3,3 lần và 2,7 lần). Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại, đặc biệt là thông qua các FTA như Hiệp định RCEP và Hiệp định EVFTA.

Sau xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đại dịch Covid-19, đã có sự thay đổi đáng kể hướng tới khả năng phục hồi, đa dạng hóa và an ninh của chuỗi cung ứng. Đã có sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia gần đã thách thức vị thế của Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia tại ASEAN được hưởng lợi ít nhiều từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau. Ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI của Việt Nam, thu hút hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023. Điều này phù hợp với xu hướng lâu nay là Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tính chung cả năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 36,6 tỷ đôla Mỹ, mức cao thứ hai trong lịch sử, gần bằng mức cao kỷ lục là 38 tỷ đôla Mỹ vào năm 2019. Chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút được 13 tỷ đôla FDI thực hiện, với lượng đầu tư mạnh từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục vào khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore):

Trong những năm tới, ASEAN tiếp tục là khối thương mại quan trọng trên thế giới. Số liệu mới nhất cho thấy sự dịch chuyển trong dòng chảy thương mại của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc đang có lợi cho ASEAN. Cụ thể, năm 2016, khoảng 21% lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc; con số này đã giảm xuống còn 13% ở hiện tại, trong khi lượng hàng nhập khẩu từ ASEAN đã tăng từ 7% lên khoảng 11%.

“Giờ đây, chúng ta có thể thấy khoảng 11% lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ đến từ ASEAN. Trong đó, riêng Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với thị phần nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng gần gấp đôi, từ 1,9% năm 2016 lên 4% tính đến tháng 8/2024”, ông Suan Teck Kin nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN đối với một thị trường lớn như Hoa Kỳ.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương