Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á

13/08/2022 - 19:51
(Bankviet.com) Trong top 10 website có lượt truy cập lớn nhất tại Đông Nam Á, Việt Nam có đến năm doanh nghiệp góp mặt. Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Thương mại điện tử giúp hàng Việt khẳng định vị thế trên sân nhà

Cảnh giác với hàng loạt các chiêu trò tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn. Báo cáo cho biết một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ngoài ra, mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 - 5000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín.

Thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng khả quan khi trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Việt Nam đã và đang có những tính hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm... nên cho phép kỳ vọng sẽ kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tăng lên.

5344-tmdt
Ảnh minh họa

TMĐT tại Việt Nam và cơ hội cho doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Với sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng, quy trình hoạt động, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cùng với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet, ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế số.

Chia sẻ tại Hội thảo "TMĐT mở đường cho DN trong bình thường mới", ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, trong đó các nhà sản xuất cũng như khách hàng đã sử dụng các công nghệ số khác nhau để thu thập thông tin, kết nối, giao dịch và phát triển sản phẩm. Và TMĐT là một phần quan trọng của xu thế đó, đặc biệt TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô TMĐT hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong bối cảnh COVID-19, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do COVID-19 thì bán lẻ qua TMĐT lại tăng. Các con số thống kê và dự báo từ năm 2019 đến 2024 cho thấy TMĐT xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh số bán lẻ tăng bình quân hàng năm tăng 3,8%; tăng trưởng doanh số bán lẻ qua TMĐT tăng 15%; tỷ trọng của TMĐT trong tổng doanh số bán lẻ tăng 23,4%.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Nhiều DN đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian "đóng băng" trước đó.

Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đã trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, COVID-19 khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. TMĐT không nằm ngoài sự tác động này. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội riêng cho những DN áp dụng nhanh chuyển đổi số (CĐS).

Một điều tra với 47 quốc gia trải dài từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, trước thời điểm đó (2019) chỉ là 10,3%. "Những con số này cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung, nhưng TMĐT vẫn là bức tranh lạc quan từ thực tế chúng ta nhìn thấy ở đỉnh dịch", bà Hà chia sẻ.

Thực tế đã cho thấy COVID-19 đã thay đổi phương thức tiêu dùng và sở thích mua sắm của nhiều người. Cũng trong bối cảnh này, nhiều DN đã phải tăng cường CĐS, cũng như điều chỉnh mô hình vận hành, điều chỉnh về sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh.

Bà Hà cho biết, khảo sát thực tế của Bộ Công Thương cho thấy đối tượng và số lượng khách hàng cho DN hiện đã được mở rộng ra ngoài phạm vi thành thị với lượng người bán tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% năm 2021.

Bên cạnh đó, một số sàn lớn cũng ghi nhận việc DN thực phẩm đồ uống, đồ tươi sống cũng đã bắt đầu "lên sàn", điều không phổ biến trước đây. 6 tháng đầu năm 2021, ở khu vực phi thành thị có khoảng 8.000 hộ nông dân tiếp cận, 15.000 mặt hàng nông sản được đưa lên sàn, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ 2020.

Một xu hướng tất yếu cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của TMĐT đó là thanh toán điện tử. Hàng năm, 80% người mua sắm ưa chuộng thanh toán tiền mặt, nhưng hiện nay hình thức thanh toán ví điện tử đang ngày càng phổ biến. Theo số liệu của các sàn TMĐT lớn, hình thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế vì hiện có nhiều chương trình khuyến mại, voucher giảm giá để thu hút người tiêu dùng, bên cạnh đó là tính tiện lợi, nhanh chóng, an toàn...

Ngoài ra, mua bán qua mạng xã hội cũng ngày càng phát triển, đây không còn là hình thức đối phó dịch bệnh mà nó đã trở thành xu hướng mua sắm yêu thích và gắn liền với cuộc sống của người tiêu dùng.

Điều này cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển TMĐT điện tử đang ngày càng được phát triển và mở rộng. "Các yếu tố khác như sự thay đổi trong nguồn nhân lực, hạ tầng chính sách, hạ tầng Internet cũng đang tạo nhiều cơ hội cho DN bứt phá trong bối cảnh COVID-19", bà Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ về triển vọng của thị trường TMĐT Việt Nam, bà Trần Như An - Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng cho biết, trong làn sóng COVID-19 đầu tiên năm 2020, lĩnh vực TMĐT Việt Nam đạt 14 tỷ USD. Năm 2021, Việt Nam có 61 triệu người dùng smartphone với tỷ lệ bao phủ là 71%, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 82 triệu người dùng. Tỷ lệ này đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT. Việt Nam dự kiến sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026 với giá trị khoảng 56 tỷ USD.

Theo bà Trần Như An, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có một số khó khăn, khi hầu hết DN, đặc biệt là các DN nhỏ chưa thể cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm.

Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn có sự phân hóa về mặt kỹ thuật số liên quan về giới, khu vực địa lý. Đa số giao dịch được diễn ra ở khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ bao phủ điện thoại thông minh khá cao nhưng kiến thức và kỹ năng số vẫn là rào cản đối với phụ nữ và dân tộc thiểu số để có thể tham gia lĩnh vực này.

Do đó, bà Trần Như An nhấn mạnh Việt Nam cần đầu tư vào việc đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng số, nâng cao năng lực cho các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin.

Minh Phương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán