Phóng viên: Ngày 10/9/2023, Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Dưới góc nhìn đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, xin ông cho biết đâu là thách thức để đạt được mục tiêu trong quan hệ thương mại giữa hai nước?
Ông Adam Sitkoff: Thương mại là nền tảng của mối quan hệ song phương giữa Mỹ - Việt Nam và đã có những thay đổi lớn trong vài thập kỷ qua. Năm 1995, thương mại song phương hai nước chỉ đạt 451 triệu USD. Đến năm 2022, con số này đã vượt qua 123 tỷ USD, trong đó các công ty Mỹ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã và đang tham gia đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Để tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa hai bên, các chính sách và quy định pháp luật tại Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tôi tin rằng, yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là: Môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, coi trọng sự đổi mới.
Khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi luôn muốn đảm bảo những khoản đầu tư đó được thực hiện hiệu quả và thành công tại chính nơi đây, bởi vì cách tốt nhất để thu hút đầu tư mới vào Việt Nam là tất cả khoản đầu tư hiện tại không chỉ đạt được kết quả nhất thời mà còn phải mở rộng đầu tư theo thời gian.
Vừa qua, Tổng thống Joe Biden là Tổng thống Mỹ thứ năm đến thăm Việt Nam. Đây là điều mà ít quốc gia khác có thể có được và điều này củng cố cam kết của Mỹ đối với một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, tự cường, độc lập. Chúng tôi rất coi trọng sự hợp tác của mình với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, những cuộc đối thoại mạnh mẽ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp mang lại kết quả chính sách công tối ưu.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ những vấn đề mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm và mong muốn khi đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Adam Sitkoff: Sự kiện Tổng thống Joe Biden sang thăm Việt Nam vừa qua đã đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với các doanh nghiệp Mỹ. Chúng tôi nhận được không ít những liên hệ từ các doanh nghiệp Mỹ để tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên rất nhiều vấn đề cần suy xét.
Lấy ví dụ về lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và tốn kém, không dễ để các doanh nghiệp Mỹ đưa lĩnh vực này đến Việt Nam. Amcham mong muốn những công ty đó đến Việt Nam và chúng tôi sẽ thành lập một nhóm công tác mới để thực hiện việc đó. Chúng tôi sẽ là cầu nối hỗ trợ họ trong những vấn đề họ quan tâm hay cung cấp cho họ những thông tin cần thiết như cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên vật liệu…
Một khi chúng ta có được kết nối, chúng ta sẽ thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam tốt hơn, từ đó sẽ có nhiều lĩnh vực phức tạp và tốn kém hơn được đầu tư tại đây. Chúng ta đã có khởi đầu từ những sản phẩm đơn giản, giờ đây sẽ tiến đến những sản phẩm phức tạp hơn. Nếu nhìn lại trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành vùng đất mà rất nhiều công ty nước ngoài đến, sản xuất rất nhiều mặt hàng ở đây và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Mỹ đến đây không chỉ để kiếm tiền, họ còn đến đây để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của một đất nước 100 triệu dân. Chúng tôi mang những sản phẩm chất lượng cao, công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm của Việt Nam về việc phát triển lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo việc làm có chất lượng và đầu tư vào việc phát triển chuyên môn cho các thành viên người Việt Nam của chúng tôi. Các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân trong nước.
Phóng viên: Năm 2023, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh bởi những gì đang diễn ra trên thế giới và không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đây có phải là tín hiệu tiêu cực trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung, dòng vốn đầu tư từ Mỹ nói riêng không, thưa ông?
Ông Adam Sitkoff: Dù Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra là 6,5% trong năm 2023, tuy nhiên mức 5,05% vẫn là một con số rất ấn tượng khi nhìn vào phần còn lại của thế giới, hay thậm chí là những quốc gia đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Theo tôi, có rất nhiều yếu tố “bên ngoài” đang tác động tới Việt Nam, như: sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc; xung đột giữa Nga và Ukraine; chiến sự tại Trung Đông; diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng…. Những câu chuyện này không thể giải quyết được ở Việt Nam.
Số liệu trong những tháng cuối năm chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Chúng tôi nhận thấy xu hướng sẽ vẫn tiếp tục, các đơn đặt hàng đang quay trở lại Việt Nam. Vì vậy, đối với những người làm việc cùng tôi, không ai nghi ngờ về tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đều cho rằng, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Điều chúng tôi lo lắng là khi kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục tăng trưởng mạnh, liệu mùa hè tới đây có xảy ra tình trạng cắt điện hay không?. Liệu sẽ còn xuất hiện thêm những quy định cản trở doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư vào Việt Nam hay không?
Phóng viên: Như chúng ta đã biết, Việt Nam cam kết đạt phát thải carbon bằng “0” vào năm 2050. Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng xanh. Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này?
Ông Adam Sitkoff: Để đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả hợp lý và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ cần có sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài và các dự án cần phải thực tế, có khả năng cấp vốn. Để làm được điều đó, Việt Nam nên loại bỏ những bất ổn về quy định hiện tại để giải phóng nguồn vốn quốc tế đáng kể đang chờ đợi.
Các công ty của chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam không chỉ để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng “0”, mà còn đảm bảo rằng trong thời gian đó, đèn vẫn sáng, nguồn điện vẫn hoạt động, bởi vì tất cả chúng ta cần điều đó cho sự tăng trưởng của Việt Nam.
Độ tin cậy và tính bền vững của năng lượng là vấn đề then chốt. Tôi biết rằng Việt Nam đang nỗ lực trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng mạng lưới điện năng đang cản trở nguồn năng lượng tái tạo có thể được sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó là vấn đề về lưu trữ năng lượng tái tạo. Bạn biết đấy, thời gian nào trong ngày có gió thổi, thời gian nào trong ngày có trời nắng và làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn năng lượng là bài toán cần phải giải quyết.
Trong những năm qua, Amcham đã thực hiện một chương trình nâng cao năng lực đối với các quan chức cấp tỉnh trên khắp Việt Nam về năng lượng tái tạo, phổ cập kiến thức triển khai năng lượng xanh. Chúng tôi cũng chia sẻ rất nhiều với Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam về cách triển khai các loại quy tắc và các quy định có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Khi nhìn vào Quy hoạch điện VIII hay Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia…, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều thách thức liên quan đến năng lượng tái tạo, cũng như nhiều mục tiêu sẽ không thực sự diễn ra cho đến năm 2040. Vì vậy, cần đảm bảo rằng Việt Nam đi đúng hướng, các kế hoạch về năng lượng tái tạo thực tế và hiệu quả. Một khi đạt được mục tiêu, không khí ở đây sẽ sạch hơn, nước ở đây sẽ sạch hơn và Việt Nam sẽ thực sự phát triển kinh tế theo cách mà tất cả chúng ta mong muốn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Dương (thực hiện)