Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phan Thị Hiền Lương, công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Vinh.
Gửi cô gái - tôi năm hai mươi hai tuổi
H.L tuổi hai mươi hai yêu quý!
8 năm rồi, tôi mới có cơ hội viết cho bạn bức thư này. Tại vì sao tôi viết cho bạn – cô gái của tuổi 22, vì tôi nghĩ 22 là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời. Tôi muốn kể cho bạn, cho tuổi 22 những lựa chọn và cả những cơ duyên năm ấy, về con đường tôi đã đi qua. 8 năm, tôi lựa chọn làm ngân hàng, 8 năm, tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ ở Vietcombank.
Tôi sinh ra trong gia đình với truyền thống bao đời nghề giáo, nên có chút gì đó mô phạm, giản dị. Bạn còn nhớ lúc tôi chập chững bước vào làm tín dụng không? Tôi gặp những khách hàng, mà đối với tôi lúc đó là “những người lạ kỳ”… Khỏi phải nói, lúc đó tôi bối rối đến thế nào. Sếp tôi đã nói với tôi: “Mỗi người em gặp, đều có những điểm tốt, ai bảo rằng những người xăm trổ là không đàng hoàng, và chiếc áo thì không làm nên thầy tu”. Một thế giới quan rất khác mở ra, tôi có thể tự tin tiếp xúc với mọi người trong xã hội. Mỗi người tôi gặp, dù khác nhau về hoàn cảnh, về trình độ, nhưng tất cả đều giúp tôi học hỏi được nhiều điều.
Bài học đầu đời ấy, tôi biết ơn anh vô cùng. Nếu không làm chuyên viên tín dụng ngân hàng, nếu không được gặp những người anh như vậy, tôi sẽ không có nhãn quan rộng lớn hơn, và có lẽ vẫn mãi khép mình trong cách nhìn “áo quần rằn ri, tâm hồn vằn vện” của cô gái tuổi 22 mà thôi.
Bạn biết không, ở Vietcombank, tôi đã được học hỏi và giúp đỡ rất nhiều từ các đồng nghiệp. Mọi người khiến tôi thực sự ngưỡng mộ, cả về kỹ năng, chuyên môn và đạo đức. Tôi còn nhớ mãi những sự “ngố tàu” của mình, khi anh chị phải dạy cách lựa chọn những món quà đủ sự tinh tế và phù hợp với sở thích của từng khách hàng. Từ cách gọi món khai vị tới món tráng miệng lúc đi ăn, thậm chí là học về các nhãn hàng nổi tiếng để có thể dễ dàng nói chuyện với khách hàng hơn. Đơn giản là biết cách khen một món đồ mà khách rất tâm đắc và vừa sở hữu… Có những kỹ năng mềm, mà chắc là 8 năm về trước, không thể một sớm một chiều tôi có thể tìm hiểu ngay, và không một trường học nào chỉ dạy. Nhưng, ở đây, tôi đã được học những điều thú vị thế đó.
Không chỉ những câu chuyện cuộc sống thường nhật, tôi còn được chỉ dạy rất nhiều về chuyên môn. Bạn có nhớ tôi hồi đó chứ? 4 năm đại học, tôi nghĩ mình đã có một vốn tri thức tốt để rồi chợt nhận ra, bản thân nắm được kiến thức cơ bản sách vở mà hoàn toàn mù mờ thực tế. Có lần, tôi đi thẩm định một mỏ khai thác đá, sếp phải nói cho tôi về các loại đá dùng trong xây dựng dân dụng, đá làm móng nhà nó khác với đá rải đường về độ cứng.“Nó gọi là mác, không phải cứ mỏ đá có độ cứng càng cao thì chất lượng đá tốt, là tốt đâu, nó cần sự phù hợp… Em làm tín dụng, đừng chỉ đơn giản tính toán cho khách hàng phương án vay vốn, trả gốc trả lãi phù hợp. Em có thể tìm hiểu, kết nối và đưa ra những tư vấn cho khách hàng phù hợp như về nguyên liệu, về máy móc và thậm chí là thị trường… Có khó quá không? Cố gắng lên”. Quanh tôi, các anh chị đều là tấm gương không ngừng học hỏi, nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về từng ngành nghề lĩnh vực. Ngưỡng mộ sự hiểu biết của các anh chị bao nhiêu, tôi lại càng tự nhủ còn trẻ thì càng phải cố gắng thêm bấy nhiêu. Đó là trách nhiệm với khách hàng, trách nhiệm với nghề.
Các anh chị làm cùng, các anh chị lãnh đạo của tôi đều tận tâm, nhiệt tình giúp đỡ tôi. Ở đây, tôi sống trong một môi trường học tập, học tập về kỹ năng, học tập về chuyên môn, học tập cả về đối nhân xử thế, về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Sau này, cũng như các anh chị, tôi sẵn lòng chia sẻ với các tân binh về những gì mình biết trong công việc. Và tôi hiểu rằng, bản thân cần sự bao dung nhẫn nại nhiều hơn với các em, như tôi đã được nhận, từ các anh chị ngày trước.
Có những lần, đi định giá tài sản một công ty đã quá hạn. Bao nhiêu người lao động, có những ánh mắt bất lực ám ảnh mình, có những người đã gắn bó tâm sức cả đời với công ty. Ngành xây dựng đi xuống, và nhiều lý do… Tôi đã nghĩ về những rủi ro, những trách nhiệm với khách hàng, trách nhiệm nghề nghiệp với mỗi khoản vay, chúng tôi đã đồng hành cùng khách hàng trong cả những thời khắc khó khăn nhất, để có thể tìm những giải pháp giúp họ vực dậy… Có những khi tôi đã suy nghĩ tới mất ngủ. Quan điểm thẩm định, về quyết định cho vay? Những điều mình biết liệu đã đầy đủ hay chưa? Tôi gặp biết bao mảnh đời, bao câu chuyện cuộc sống. Có lần có bà mẹ già lên ngân hàng hỏi vay, vì đứa con phá gia chi tử… Nhưng cũng có những câu chuyện thật ngọt ngào, như khi một bà mẹ khác vay tiền cho con đi du học, bác nhắn với tôi: “Chị HL ơi, em nhà bác kỳ này điểm cao lắm. Bác vui quá nhắn khoe với cháu cho cháu mừng”. Lúc nhận tin nhắn đó, tôi cũng thấy vui lây, mỉm cười, khoản vay ấy biết đâu lại tạo ra cho đất nước thêm một người nhiều hiểu biết, bạn ấy học kinh tế, sau này, biết đâu ngành ngân hàng lại thêm có một người tài giỏi, và biết đâu mình sẽ có một đồng nghiệp tương lai …Tôi yêu hơn công việc mình đang làm, vì thấy đẫm giá trị nhân văn trong đó!
Sau 4 năm làm tín dụng, tôi chuyển sang làm kế toán nội bộ. Một công việc mới hoàn toàn, tôi mất nhiều thời gian để thích nghi. Ấy vậy mà lại tiếp tục 4 năm nữa trôi qua rồi. Giờ bạn gặp tôi, sau tám năm gắn bó với Vietcombank, tôi nghĩ bạn chẳng nhận ra tôi nữa đâu! Tôi đã trưởng thành hơn nhiều, và khác nhiều lắm rồi. Và tôi tin, là ở đây tôi đã được thay đổi tích cực, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Đối với tôi, đó là những điều “được” lớn nhất. Quá nhiều điều tôi đã được, quá nhiều người tôi phải nói lời tri ân!
Ngày xưa, lúc lựa chọn học và làm ngân hàng, cả nhà không hoàn toàn ủng hộ, vì muốn con làm giáo viên theo truyền thống gia đình. Nhưng bây giờ, tôi nhìn thấy niềm vui hiện lên trên đôi mắt mẹ, sau thời gian tôi công tác tại Vietcombank.
PHAN THỊ HIỀN LƯƠNG
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ