Vĩnh Phúc: Tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu

10/05/2024 - 02:16
(Bankviet.com) Ngày 8/5, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc thông tin, vừa tạm giữ hơn 1.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu của Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Hằng trên địa bàn.
Vĩnh Phúc: Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị xử phạt 30 triệu đồng Vĩnh Phúc: Tạm giữ, niêm phong 342 bình N2O tại cơ sở sang chiết trái phép

Cụ thể, ngày 7/5, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc), Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thu Hằng, sinh năm 1971 làm đại diện hộ kinh doanh.

Vĩnh Phúc: Tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cơ sở. (Ảnh: QLTT Vĩnh Phúc)

Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Hằng hoạt động kinh doanh tại hai địa điểm kinh doanh gồm Cửa hàng Lynh Lynh Dương Mỹ Phẩm chính hãng (địa chỉ số 128 đường Tôn Đức Thắng, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và địa điểm Cửa hàng Lynh Lynh Dương (số 15, đường Nguyễn An Ninh, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Tại hai địa kiểm kinh doanh trên Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Hằng đang kinh doanh, bày bán hàng hóa là Mỹ phẩm các loại.

Tổng số hàng hóa 1.038 đơn vị sản phẩm các loại, gồm: 111 hộp kem đánh răng nhãn hiệu MEDIAN DELTA.IQ; 36 hộp kem đánh răng nhãn hiệu White&White; 66 lọ dung dịch vệ sinh nhãn hiệu INTIMA loại 200ml; 58 chai dầu gội đầu nhãn hiệu TRESemmé loại 370ml; 32 chai sữa tắm nhãn hiệu ON THE BODY loại 875ml; 30 tuýp sữa rửa mặt nhãn hiệu INNISFREE loại 150g; 42 hộp tẩy da chết nhãn hiệu DOVE loại 225ml;

90 hộp xà bông tắm nhãn hiệu Kao White loại 130g; 400 túi mặt lạ nhau thai nhãn hiệu RWINE Beauty; 71 hộp son nhãn hiệu BBIA; 82 hộp son nhãn hiệu BLACK ROUGE; 6 chai sữa tắm nhãn hiệu Bettina Barty loại 500ml; 6 tuýp sữa rửa mặt nhãn hiệu Kosé Softymo loại 150g; 8 chai nước tẩy trang nhãn hiệu GARNIER SKINACTIVE loại 400ml)...

Các sản phẩm trên đều do nước ngoài sản xuất như: Made in MALAYSIA, Made in POLAND, Made in KOREA, Made in JAPAN, Made in SLOVAKIA, Made in THAILAND, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Hằng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa trên là gần 40 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập Biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, hoàn thiện hồ sơ vụ việc trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Vân An

Theo: Báo Công Thương