Các động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng năm 2022
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã khiến nền kinh tế Việt Nam trong quý III/2021 ghi nhận mức giảm mạnh nhất lịch sử từ lúc Việt Nam tính và công bố dữ liệu GDP. Tuy vậy, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược Zero COVID sang “sống chung với COVID”, dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế, kịp thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm vắc xin, ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Kết quả là nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực trong tháng 10 và 11 vừa qua. Sản xuất công nghiệp trở lại mức tăng trưởng dương trong tháng 11 sau 3 tháng liên tiếp sụt giảm. Cán cân thương mại chuyển sang thặng dư trong 3 tháng liên tiếp nhờ vào sự cải thiện của tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Vốn FDI đăng ký giữ được tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Bán lẻ thu hẹp đà giảm. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng trở lại so với tháng trước đó.
Thêm vào đó, lạm phát và tỷ giá vẫn giữ ổn định trong 11 tháng đầu năm, là nền tảng quan trọng trong việc duy trì được sự hồi phục kinh tế.
Nhìn chung, tốc độ mở cửa nền kinh tế và trở lại trạng thái bình thường mới phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 và khả năng thích ứng an toàn với dịch. Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, tỷ lệ tiêm vắc xin tại Việt Nam có thể đạt trên 70% vào đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi và dự phóng GDP Việt Nam đạt tăng trưởng 4% trong quý IV và 2,3% trong năm 2021, trong kịch bản nền kinh tế dần tăng tốc vào giữa tháng 10, nhờ vào đầu tư công và dòng vốn FDI là động lực tăng trưởng chính và được đẩy mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Trong năm 2022, khi tỷ lệ tiêm vắc xin kì vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm “sống chung với COVID” trước đó, GDP 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7-6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công, theo ước tính của chúng tôi. Mirae Asset nhận định các động lực tăng trưởng chính bao gồm: (1) Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; (2) đầu tư công được đẩy mạnh; (3) xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Đó là số ca nhiễm có thể tăng khi Việt Nam mở cửa kinh tế trở lại và sự phát triển các biến chủng COVID-19 mới trên phạm vi toàn cầu; việc triển khai tiêm vắc xin của Việt Nam chậm hơn kỳ vọng; lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không sẽ mất nhiều năm để hồi phục; do đó, tiêu dùng, nói chung, sẽ kéo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Lực cầu trong nước thúc đẩy thị trường chinh phục đỉnh 1.500 điểm
Năm 2021, VN-Index đã thành công vượt mốc 1.200 điểm và chinh phục ngưỡng 1.500 điểm. Đáng chú ý, sau các đợt giảm điểm khi dịch COVID-19 bùng phát trong nước, thị trường thường bật tăng mạnh mẽ nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế. Tính đến cuối tháng 11, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới.
Các ngành Ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản, dịch vụ tài chính là những ngành dẫn dắt thị trường, lần lượt đóng góp 31%, 23%, 15%, 10%, và 8% vào mức tăng của VN-Index.
Thanh khoản thị trường liên tục thiết lập mức cao mới, với mức giá trị giao dịch khớp lệnh cao nhất trên 43 nghìn tỷ đồng/ngày (vào ngày 19/11). Tính bình quân, giá trị giao dịch khớp lệnh hàng ngày tăng gấp 4 lần so với năm 2020 lên gần 20 nghìn tỷ đồng/ngày. Theo thước đo thanh khoản của chúng tôi, hầu hết các ngành đều đang giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Khối ngoại duy trì chiến lược bán ròng trong năm 2021, với tổng giá trị bán ròng gần 55 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), gấp 3 lần so với mức bán ròng trong năm 2020. Năm 2021, xu hướng rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường khu vực châu Á, ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia. Về giao dịch ETF, có gần 115 triệu USD vào ròng trong 11 tháng đầu năm, chủ yếu từ Fubon FTSE Vietnam ETF (+202 triệu USD).
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 tháng đầu năm, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng.
Dự phóng VN-Index 1.700 điểm năm 2022?
Trong năm 2022, kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán. Môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tiêm vắc xin tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng được với chiến lược sống chung với COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.
Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Mirae Asset dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần, VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.
Có nhiều động lực thúc đẩy thị trường như sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào. Mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn. Bên cạnh đó, triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự phát triển của các biến chủng COVID-19 mới gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ