Với vị thế đầu ngành, cổ phiếu nhóm Big 4 này còn dư địa tăng giá?

25/07/2025 - 14:53
(Bankviet.com) Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng và thị trường ngoại thương dần ổn định, Vietcombank vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận đều đặn. Cổ phiếu VCB được định giá lại khi mức P/B hiện tại thấp nhất 10 năm, mở ra cơ hội tích lũy cho nhà đầu tư dài hạn.
Báo cáo - Phân tích

Với vị thế đầu ngành, cổ phiếu nhóm Big 4 này còn dư địa tăng giá?

Nhật Linh 24/07/2025 16:16

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng và thị trường ngoại thương dần ổn định, Vietcombank vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận đều đặn. Cổ phiếu VCB được định giá lại khi mức P/B hiện tại thấp nhất 10 năm, mở ra cơ hội tích lũy cho nhà đầu tư dài hạn.

Lợi nhuận quý 2 tăng tốc nhờ thu nhập ngoài lãi

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý I/2025 đạt 10.900 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ và hoàn thành 25% kế hoạch năm.

vcb.jpg
VCB được định giá tăng trưởng 17% với nền tảng tài chính và chất lượng tài sản được duy trì vững chắc

Mặc dù biên lãi ròng (NIM) giảm mạnh 50 điểm cơ bản còn 2,65% là yếu tố kìm hãm tăng trưởng, nhưng điều này được bù đắp nhờ thu nhập ngoài lãi tăng 12%, chi phí dự phòng giảm 50%, cùng với tín dụng tăng nhẹ 1,2% YTD.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng quý 1 2025 của VCB
Tốc độ tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 của VCB

Bước sang quý II, VCB được dự báo tăng trưởng LNTT 10% so với cùng kỳ, đạt 11.100 tỷ đồng, dẫn dắt bởi thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và thu hồi nợ ngoại bảng – hai yếu tố giúp thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 34% YoY. Chi phí dự phòng tiếp tục giảm sâu 53% YoY, trong bối cảnh nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp với tỷ lệ dưới 1%.

Triển vọng trung hạn tích cực nhờ tín dụng bán lẻ và phục hồi NIM

RongViet Securities dự báo lợi nhuận ròng 2025 của VCB đạt 37.000 tỷ đồng (+9% YoY), tiếp tục tăng trưởng lên 41.400 tỷ đồng vào năm 2026 (+12% YoY). Động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng dự phóng 13% cho năm 2025 và 13,9% năm 2026, phân bổ đều giữa khối bán lẻ và doanh nghiệp. NIM kỳ vọng cải thiện dần từ quý II/2025 nhờ tăng cho vay trung – dài hạn, dù cả năm vẫn giảm nhẹ về 2,79%.

Ngoài ra, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối dự kiến tăng 26% trong năm nay nhờ yếu tố tỷ giá. Trong khi đó, chi phí tín dụng ước đạt 0,28%, duy trì ở mức thấp nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên tới 216% – cao nhất hệ thống. Điều này cho phép VCB giảm áp lực dự phòng và linh hoạt trong chiến lược tín dụng.

Tỷ lệ CASA của VCB
Tỷ lệ CASA của VCB

Chất lượng tài sản ổn định, rủi ro từ thuế đối ứng được kiểm soát

Chất lượng tài sản của VCB tiếp tục đứng đầu ngành khi tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ lên 1,03% trong quý I/2025. LLR tuy giảm nhẹ so với cuối 2024 nhưng vẫn bao phủ toàn bộ nợ nhóm 2–5 và 1% nhóm 1, thể hiện khả năng ứng phó linh hoạt với rủi ro nợ xấu.

Dù có tác động gián tiếp từ chính sách thuế đối ứng mà Mỹ áp với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, mức độ ảnh hưởng đến VCB là tương đối hạn chế. Tín dụng cho doanh nghiệp FDI – nhóm khách hàng có thể bị ảnh hưởng – chỉ chiếm khoảng 10% dư nợ. Ngoài ra, VCB đánh giá tỷ lệ chuyển nhóm nợ là thấp, và việc đồng VND mất giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu bù đắp phần thuế gia tăng.

Dự phóng kết quả kinh doanh VCB
Dự phóng kết quả kinh doanh VCB

Định giá hấp dẫn, room ngoại còn nhiều

VCB hiện được định giá ở mức P/B 2,3x, tương đương -2 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 3,1x. RongViet đánh giá dư địa cải thiện định giá là lớn nhờ kỳ vọng NIM phục hồi về mức gần 3% từ 2026, kết hợp với CAGR LNTT giai đoạn 2025–2028 đạt 15%.

Ngoài ra, VCB là cổ phiếu ngân hàng có room ngoại lớn nhất trong các chỉ số FTSE phản ánh TTCK Việt Nam – một điểm cộng khi thị trường đang kỳ vọng nâng hạng lên mới nổi thứ cấp. Cổ phiếu hiện có tỷ trọng 6,7% trong FTSE Vietnam Index và 4% trong FTSE Vietnam All-Share Index.

Khuyến nghị đầu tư

Sử dụng phương pháp định giá P/B, RongViet đưa ra giá mục tiêu 12 tháng cho cổ phiếu VCB là 73.000 đồng, tương ứng mức sinh lời kỳ vọng 17% so với giá đóng cửa ngày 22/7/2025. Đây là mức định giá tương ứng với P/B 2025F/2026F lần lượt là 2,7x và 2,3x.

Mặc dù chưa đưa vào mô hình định giá kế hoạch phát hành riêng lẻ 543 triệu cổ phiếu (dự kiến hoàn tất cuối 2025 hoặc đầu 2026), nhà đầu tư vẫn có thể xem đây là cơ hội tích lũy cổ phiếu ngân hàng đầu ngành khi mức định giá vẫn còn dư địa tăng, trong khi nền tảng tài chính và chất lượng tài sản được duy trì vững chắc.

Nhật Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán