Vốn đầu tư phát triển chương trình phục hồi kinh tế: Nhiều địa phương chưa phân bổ linh hoạt

05/09/2024 - 18:05
(Bankviet.com) Theo kết quả kiểm toán, công tác phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm…
Quảng Bình: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp Hà Nam 'mở cửa' thông thoáng hút dòng vốn đầu tư khu công nghiệp

Kiểm toán nhà nước vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và 7 dự án đầu tư xây dựng do UBND các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang làm chủ đầu tư.

Vốn đầu tư phát triển chương trình phục hồi kinh tế: Nhiều địa phương chưa phân bổ linh hoạt
Phân bổ vốn đầu tư phát triển chương trình phục hồi kinh tế còn chậm. Ảnh: Hạ Vũ

Qua kiểm toán cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành chính sách đầu tư phát triển thuộc Nghị quyết 43/2022/QH15 với tiến độ thực hiện ban đầu trong 2 (năm 2022-2023) còn chưa khả thi trong quá trình thực hiện, dẫn đến phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thuộc Chương trình đến hết 31/12/2024

Bên cạnh đó, Bộ chưa tham mưu Chính phủ trình Quốc hội để không tiếp tục thực hiện và cắt giảm quy mô đầu tư đối với 7 dự án của 2 Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn giai đoạn 2022-2023 (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo). Các đơn vị này đã có văn bản xin dừng triển khai, cắt giảm quy mô, đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép cắt giảm số vốn 1.217,628 tỷ đồng từ Chương trình và yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đối với Bộ Tài chính, kết quả kiểm toán chỉ ra, tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ còn chậm so với yêu cầu của Chương trình về giải ngân nguồn vốn trong 2 năm 2022, 2023.

Cụ thể, 10 dự án thuộc Chương trình được giao cho Bộ Tài chính làm cơ quan chủ quản, được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 30/6/2022 với dự kiến tổng mức đầu tư là 2.063 tỷ đồng nhưng sau 01 năm Bộ Tài chính mới có 2 dự án được phê duyệt dự án đầu tư và cuối tháng 12/2023 mới ban hành quyết định phê duyệt 08 dự án còn lại với tổng mức đầu tư 1.862,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 3/10 dự án thuộc Chương trình được giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản đầu tư xác định chủ trương đầu tư còn chưa sát dẫn đến quá trình thực hiện phải thực hiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư về mục tiêu đầu tư và quy mô đầu tư.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tính đến 31/3/2024, còn 20.491 tỷ đồng của hạn mức vốn Chương trình chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, điều chỉnh linh hoạt, chiếm 15,7% tổng mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chính sách đầu tư phát triển; còn 13 dự án chưa phê duyệt dự án đầu tư nên chưa đủ thủ tục giao chi tiết kế hoạch vốn với tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao 1.759 tỷ đồng (gồm 08 dự án thuộc bộ, cơ quan trung ương quản lý; 05 dự án thuộc địa phương quản lý)…

Từ những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính (qua kiểm toán chi tiết 7 dự án) hơn 3,483 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác (qua kiểm toán chi tiết 7 dự án) hơn 5,015 tỷ đồng.

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương được kiểm toán (Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang) chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những bất cập, hạn chế đã được Kiểm toán nhà nước chỉ rõ trong công tác triển khai, quản lý và sử dụng vốn của Chương trình.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương