Đây là chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" vừa diễn ra.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao tầm quan trọng của lĩnh vực xuất khẩu đối với nền kinh tế đất nước, song đang chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Mức cầu tín dụng, cầu đầu tư thấp tiếp tục tác động đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cho biết, hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đảm bảo cân đối tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, hài hòa giữa lãi suất, tỷ giá, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là rất khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ hàng chục nguyên nhân cả khách quan và chủ quan đến từ thế giới và trong nước.
Mặc dù vậy, riêng đối với mảng tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, Phó Thống đốc cho biết, ngành Ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vốn với lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp và tỷ giá không có những biến động lớn, gây sức ép bất lợi cho doanh nghiệp và cho điều hành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, lâm sản, hiện nay, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi 1-2% lãi suất của hệ thống NHTM đã giải ngân được khoảng 18.000 tỷ đồng và rất được doanh nghiệp các ngành đồ gỗ lâm sản và thủy sản hoan nghênh. Gói tín dụng này sẽ tiếp tục được NHNN chỉ đạo các NHTM tăng cường giải ngân.
“Nếu giải ngân hết hạn mức 30.000 tỷ đồng thì có thể xem xét mở thêm các nguồn vốn ưu đãi cho vay khác để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thủy sản, lúa gạo, NHNN đang gấp rút hoàn thiện văn bản pháp lý để kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào cuối tháng 6 tới. Từ đó, tạo cơ hội cho các NHTM tiếp tục hỗ trợ giãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tăng cường cho vay mới đối với khách hàng, trong đó, bao gồm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Về vấn đề tỷ giá, theo Phó Thống đốc, hiện nay tỷ giá được ngành Ngân hàng nhìn nhận là một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt các hoạt động từ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên, có nguồn thu ngoại tệ lớn. Chẳng hạn như hiện nay, xuất khẩu cà phê đang được giá, vì thế, ngành Ngân hàng sẽ chỉ đạo khuyến khích hệ thống NHTM đẩy mạnh cho vay. Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất như gói 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu thủy sản; xuất khẩu gỗ… cũng sẽ được NHNN phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh.
NHNN đang rất tích cực trong hoạt động điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Vì vậy, Phó Thống đốc lưu ý, các doanh nghiệp, các ngành nghề cũng không nên kỳ vọng là găm giữ, đầu tư ngoại tệ để có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế.
Cũng tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Hà Thu Giang cho biết, những doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa (SME) luôn được bình đẳng trong tiếp cận vốn tín dụng như các loại hình doanh nghiệp khác. NHNN đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về vay vốn để hướng dẫn các doanh nghiệp SME.
Theo bà Giang, vay vốn là sự thỏa thuận linh hoạt giữa ngân hàng và khách hàng, vậy nên tùy theo quy định, các ngân hàng đã xây dựng nhiều chương trình tín dụng khác nhau dành riêng cho doanh nghiệp SME, đặc biệt là vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Bên cạnh những chính sách của ngành Ngân hàng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP quy định về quỹ hoạt động tín dụng ở địa phương, dành cho những doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay vốn theo loại hình này. Như vậy, những doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không có tài sản bảo đảm sẽ được hỗ trợ tối đa để tiếp cận và vay vốn.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu đã tăng đến 17% so với cùng kỳ năm trước, nhất là khu vực kinh tế trong nước tăng đến 25%, còn khu vực nước ngoài (FDI) tăng khoảng 13% là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, xuất khẩu nhìn chung vẫn đang rất khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng cơ hội để khai thác các thị trường bằng việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh Đặng Quốc Hùng chia sẻ, các doanh nghiệp thường tập trung cho thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu nên khi thị trường châu Âu gặp vấn đề thì lập tức bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông mong muốn Nhà nước định hướng cho doanh nghiệp mở rộng thị trường không truyền thống.
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tham tán thương mại, thương vụ nước ngoài, lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế... cũng đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp gỡ bỏ những khó khăn để phát triển trong thời gian tới.
Minh Ngọc