Kỷ niệm 133 năm Ngày thành lập tỉnh Thái Bình: Sức hút mới trên “quê hương năm tấn” Khắc ghi lời Bác, xây dựng quê hương năm tấn đổi thay từng ngày |
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, để hiểu hơn về hành trình “vươn ra biển lớn”, thay đổi diện mạo của Thái Bình, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Thưa đồng chí, theo nhiều đánh giá, những năm qua, Thái Bình đã thực sự “lột xác” cởi bỏ được “chiếc áo cũ mang tên thuần nông”, chuyển biến và vươn lên mạnh mẽ. Vậy, Đảng bộ và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể như thế nào để Thái Bình tăng tốc trong thời gian qua?
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải:
Trước hết, đó là định hướng phát triển đúng đắn của tỉnh được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó, mục tiêu tổng quát là: “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”. Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã được tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo thành khát vọng phát triển, hình thành động lực mới, làm cơ sở cho hành động cách mạng mạnh mẽ của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải |
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, trong 3 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX để cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động và kiên trì, nhất quán tổ chức triển khai thực hiện. Phương châm hành động chung là lấy các kết quả cụ thể để chứng minh cho tính đúng đắn của định hướng phát triển và hiệu quả của công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện, tạo ra sự đồng tâm, nhất trí, tin tưởng trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng từng bước cụ thể hóa nội dung Nghị quyết gắn với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong 3 năm qua, nhờ tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, cùng với không khí đổi mới, khí thế thi đua trong toàn tỉnh, Thái Bình đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn từ lâu; tổ chức triển khai có kết quả nhiều chương trình, kế hoạch; thu hút được nhiều dự án đầu tư; giải quyết được nhiều nhiệm vụ khó khăn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
PV: Năm 2023 được đánh giá là một năm với rất nhiều khó khăn, thách thức, song Thái Bình đã gặt hái được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Đồng chí có thể nêu một vài ví dụ điển hình mà Thái Bình đã đạt được?
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải:
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, kinh tế của tỉnh Thái Bình vẫn phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt 7,37%, cao hơn mức bình quân của cả nước (5%); đa số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách (nội địa) đạt trên 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn nằm trong nhóm đầu cả nước. Đồng thời, tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng. Thái Bình cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư như Dự án đầu tư Khu công nghiệp VSIP Thái Bình, Khu công nghiệp Hải Long, đặc biệt là Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được thực hiện tốt, nhất là thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt trên khoảng 4,1 tỷ USD, cao hơn tổng số vốn FDI của tỉnh từ năm 2020 trở về trước (riêng năm 2023, thu hút FDI đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố). Tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 153.011 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; riêng năm 2023 tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 99.245 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình khảo sát Khu công nghiệp Liên Hà Thái |
PV: Để có những kết quả kể trên, không thể không kể đến sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ Công Thương. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự phối hợp, đồng hành của Bộ Công Thương và ngành Công Thương trong thời gian qua đối với sự phát triển của Thái Bình?
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải:
Thái Bình gặt hái được những thành quả bước đầu kể trên chính nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương.
Trong những năm qua, Bộ Công thương với chức năng, nhiệm vụ đã luôn quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cho Thái Bình, như: Ủng hộ tỉnh Thái Bình về đề xuất quy hoạch trung tâm nhiệt điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện khí LNG; ủng hộ Thái Bình hình thành mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thương mại, cung ứng hàng hóa.
Đồng thời, với vai trò đầu mối về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, triển khai nhiều chương trình phát triển thị trường...góp phần giúp Thái Bình thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư, xúc tiến, nâng cao giá trị các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền tới Chính phủ, để Chính phủ có cơ chế giải quyết tổng thể, sớm nhất các vấn đề vướng mắc của Thái Bình liên quan đến công nghiệp và thương mại.
PV: Những năm qua, Thái Bình với hình mẫu là địa phương năng động, vượt khó đã được lan tỏa một cách mạnh mẽ, điều này có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan truyền thông, báo chí, trong đó có Báo Công Thương. Vậy đồng chí có đánh giá như thế nào về sự đồng hành của các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công Thương nói riêng với Thái Bình?
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải:
Các kết quả mà Thái Bình đã đạt được trong những năm qua có sự đóng góp, quan tâm, giúp đỡ không nhỏ của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò giám sát, phản biện, kịp thời lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp về sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của Thái Bình, từ đó tạo ra động lực mới, khí thế mới giúp Thái Bình nỗ lực hơn nữa thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Với Báo Công Thương, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương đã luôn quan tâm, ủng hộ tỉnh Thái Bình, kịp thời tuyên truyền, phản ánh các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh, tạo ra sự lan tỏa tốt, được dư luận cả nước quan tâm. Điều này là hết sức quý báu, góp phần không nhỏ định hướng dư luận, để người dân hiểu, nắm rõ chủ trương đúng đắn, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái, đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực đối với sự phát triển của Thái Bình.
PV: Năm 2024, Thái Bình cần những giải pháp đột phá nào để “quê hương năm tấn” giữ vững thành quả đã đạt được, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế... hướng tới dấu mốc mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải:
Trước hết, Đảng bộ tỉnh Thái Bình xác định phải tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, người đứng đầu và từng thành viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng triển khai thực chất ở cơ sở. Chỉ đạo tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; định hướng, phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương trong tuyên truyền các thành tựu, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty OHSUNG VINA Thái Bình - Ảnh: Lâm Hiển |
Về phát triển kinh tế, Thái Bình tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được trong 3 năm qua, tiếp tục tăng tốc phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nông nghiệp của Thái Bình vẫn là một trong 3 trụ cột phát triển, sẽ tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến gắn với quy hoạch và hình thành các vùng nguyên liệu, từ đó tạo ra đột phá, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Thái Bình sẽ phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng cao; phát huy tối đa thế mạnh của tỉnh để phát triển nhanh có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp cơ khí, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghiệp hỗ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ một số dự án sản xuất công nghiệp để sớm đưa vào hoạt động năm 2024. Phấn đấu khởi công xây dựng Khu công nghiệp VSIP vào giữa năm 2024.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông kết nối... tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế và tận dụng tối đa các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký, Thái Bình xác định sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại. Đặc biệt, Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu thu hút vốn FDI vào khu kinh tế năm 2024 đạt khoảng 1 tỷ USD, trong đó, thu hút một số dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Kim Ngân - Nguyễn Cường (thực hiện)