WB cảnh báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm 2024

12/01/2024 - 22:26
(Bankviet.com) Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu không có sự điều chỉnh, thập niên những năm 2020 sẽ được nhớ đến như thập niên của “những cơ hội bị bỏ phí”.
thuongmainikkei3.jpg
Ảnh: Nikkei

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vừa công bố, WB cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 nhiều khả năng sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, mức tăng trưởng kỳ vọng dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%.

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 dự kiến tăng lên mức 2,7%. WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 5 năm sẽ vẫn thấp hơn khoảng 3/4 điểm phần trăm so với ngưỡng trùng bình của thập niên 2010.

Phân tích của WB cho rằng, dù rằng kinh tế toàn cầu vẫn vững vàng trước các cú sốc suy thoái kinh tế trong năm 2023, căng thẳng địa chính trị leo thang trong thời gian gần đây vẫn tiềm ẩn những thách thức ngắn hạn. Chính vì vậy, so với thập kỷ trước, phần lớn các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chững lại trong năm 2024 và 2025.

Chuyên gia kinh tế cao cấp kiêm Giám đốc Quỹ Prospects Group, ông Ayhan Kose cho rằng, nếu căng thẳng giữa Nga-Ukraine, hay xung đột tại Trung Đông leo thang sẽ gây ra ảnh hưởng lên giá năng lượng, đe dọa đẩy tăng lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

WB cảnh báo nếu không có sự điều chỉnh, thập niên những năm 2020 sẽ được nhớ đến như thập niên của “những cơ hội bị bỏ phí”.

Còn nhìn từ bình diện khu vực, tăng trưởng kinh tế tại Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và châu Á – Thái Bình Dương đều được WB dự báo sẽ yếu đi. Tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ - Latinh và Caribbean sau khi suy giảm mạnh vào năm ngoái dự kiến sẽ hồi phục mạnh trong năm nay, một phần bởi so sánh với nền thấp.

Trong trung hạn, nhóm các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thương mại toàn cầu chịu hạn chế và điều kiện tài chính thắt chặt ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.

Nhóm các nền kinh tế đang phát triển dự kiến tăng trưởng ở mức 3,9% trong năm 2024, thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ liền trước.

Theo WB, ở thời điểm cuối năm nay, ước tính khoảng 25% người dân các nước đang phát triển và khoảng 40% người dân ở các nước thu nhập thấp vẫn nghèo hơn so với thời điểm đầu đại dịch COVID-19 vào năm 2019.

Cũng theo phân tích của WB, với tình trạng tăng trưởng kinh tế và thu nhập người dân sụt giảm, chính phủ nhiều nước không giải quyết được vấn đề đói nghèo cùng cực, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, mục tiêu đưa thập kỷ này trở thành thập kỷ của sự thay đổi đã không thể trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, WB tin mọi chuyện có thể thay đổi nếu chính phủ các nước hành động mạnh tay để gia tăng đầu tư và củng cố các khung chính sách tài khóa.

Chuyên gia WB nhấn mạnh trong báo cáo: “Việc đầu tư tăng trưởng mạnh sẽ có thể làm thay đổi các nền kinh tế đang phát triển, giúp họ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển năng lượng và đạt được nhiều mục tiêu phát triển kinh tế. Để có thể làm được điều này, các nền kinh tế đang phát triển sẽ cần phải áp dụng các gói chính sách toàn diện nhằm cải thiện khung chính sách tài khóa và tiền tệ, mở rộng thương mại liên biên giới cũng như dòng chảy tài chính, cải thiện môi trường đầu tư và thể chế”.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ