Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin.
"Thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chuyển theo hướng đi lên vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu được nới lỏng và Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành vào tháng 1/2024 có hiệu lực từ tháng 1/2025", báo cáo của WB chỉ ra.
Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.
Tuy nhiên, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng chỉ ra những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam nhìn theo hai hướng tích cực và tiêu cực.
Rủi ro theo hướng tiêu cực bao gồm: Tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến (nhất là tại Mỹ, EU và Trung Quốc); Thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự kiến; Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi do kết quả kinh tế yếu kém (khu vực bất động sản và tín dụng diêu dùng.
Rủi ro theo hướng tích cực: Các đối tác thương mại chính phục hồi tốt hơn dự kiến (Mỹ, EU và Trung Quốc); Cắt giảm lãi suất (phụ thuộc vào diễn biến lạm phát tại Mỹ); Cải cách trong khu vực bất động sản (Luật Đất đai mới sẽ tạo thuận lợi cho khu vực này phục hồi và qua đó đầu tư tư nhân trong nước sẽ phục hồi).
Báo cáo của WB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP. Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, dư địa cho việc cắt giảm lãi suất thêm nữa bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với việc thu ngân sách có khả năng còn tiếp tục yếu trong khi chi tiêu công được đẩy mạnh, bao gồm tăng lương cho công chức theo kế hoạch và đẩy nhanh đầu tư công, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 1,6% GDP vào năm 2024, trước khi giảm xuống 1,1% vào năm 2025, phù hợp với Chiến lược tài khóa giai đoạn 2021-2030.
Đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là điều quan trọng nhất, trong đó tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân do giá trị tài sản giảm trên thị trường bất động sản. Vùng đệm vốn của các ngân hàng thương mại hiện tương đối mỏng và sự suy giảm của thị trường bất động sản có thể khiến nguồn vốn của các ngân hàng này sụt giảm thêm.
“Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức ,” ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư nhận định và cho biết: “Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.”
Q.L