WB tiết lộ các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của Fintech

24/09/2023 - 14:40
(Bankviet.com) Trong báo cáo “Mô hình toàn cầu về hoạt động Fintech và các yếu tố thúc đẩy: Fintech và tương lai của tài chính gắn với kỹ thuật”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chia sẻ những phát hiện của nghiên cứu ề mô hình hoạt động Fintech trên toàn thế giới và xác định các yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động này.
0734d932-e3db-447e-9db9-4cfdc08533b7-.png.jpg

Mối tương quan giữa các quốc gia về hoạt động Fintech

Nghiên cứu của WB cho thấy, các quốc gia có hệ thống ngân hàng sâu hơn, bao trùm và cạnh tranh hơn có mức độ hoạt động Fintech thấp hơn so với các quốc gia có hệ thống ngân hàng kém phát triển và cạnh tranh hơn. Điều này có thể phần nào lý giải cho hiện tượng tiêu chuẩn tham gia cao hơn và ít cơ hội cho các dịch vụ tài chính số hơn ở các quốc gia có hệ sinh thái ngân hàng phát triển.

Kết quả từ nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động Fintech có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế và thể chế của một quốc gia, và cơ hội cho hoạt động Fintech và thanh toán số rất lớn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các yếu tố như sự phát triển của khu vực tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các chính sách liên quan đến Fintech đang ảnh hưởng đến mức độ hoạt động Fintech ở các quốc gia khác nhau.

Đặc biệt, báo cáo lưu ý mối tương quan nghịch mạnh mẽ giữa hoạt động Fintech và sự phát triển của hệ thống ngân hàng mà phần nhiều liên quan đến nhu cầu tiềm tàng đối với các nhà cung cấp dịch vụ Fintech mới cũng như những hạn chế từ phía cung.

Báo cáo cho biết, ở những quốc gia có hệ thống ngân hàng kém phát triển và kém cạnh tranh hơn, các dịch vụ tài chính số có nhiều cơ hội phát triển hơn bởi phần lớn các thị trường này có tỷ lệ người dân chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng lớn cũng như chi phí dịch vụ tài chính cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy, nhu cầu cao ở các quốc gia này lấn át các hạn chế về phía cung liên quan đến những hành vi hạn chế cạnh tranh của các công ty truyền thống chẳng hạn như rào cản gia nhập thị trường.

Trong khi có mối tương quan nghịch với sự phát triển của hệ thống ngân hàng thì ngược lại, hoạt động Fintech có mối tương quan dương với sự phát triển của thị trường vốn.

Báo cáo cho biết, xu hướng này cho thấy thị trường trái phiếucổ phiếu phát triển tốt, phần nào phản ánh ở môi trường đầu tư thuận lợi hơn, có thể thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech bằng cách cung cấp nhu cầu về vốn mà các công ty khởi nghiệp cần để phát triển.

Kết quả nghiên cứu của WB cũng nhất quán với các nghiên cứu khác, cho thấy các nền kinh tế trẻ đang phát triển nhanh là những quốc gia áp dụng nhiều nhất các sản phẩm Fintech.

Cụ thể, chỉ số áp dụng Fintech toàn cầu của Ernst & Young (EY), có được sau một cuộc khảo sát với 27.000 người tiêu dùng hoạt động kỹ thuật số tại 27 thị trường, cho thấy châu Á là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về áp dụng Fintech, trong đó, Trung Quốc (87%) và Ấn Độ (87%) đứng đầu danh sách.

Mức độ phát triển và áp dụng Fintech cao ở các thị trường mới nổi đôi khi được thúc đẩy bởi nhu cầu chưa được đáp ứng về dịch vụ tài chính và chi phí tài chính truyền thống cao. Nhân khẩu học cũng đóng một vai trò quan trọng, vì thế hệ trẻ, vốn phổ biến ở các thị trường mới nổi, có nhiều khả năng tin tưởng và áp dụng các dịch vụ Fintech hơn.

Cơ sở hạ tầng CNTT, môi trường pháp lý là hai trong số những yếu tố hỗ trợ chính

Ngoài mức độ phát triển của hệ thống ngân hàng nội địa, báo cáo của WB lưu ý, sự phát triển của Fintech cũng phụ thuộc vào sự sẵn có của cơ sở hạ tầng tài chính và CNTT hỗ trợ.

Theo đó, các quốc gia có ​​nhiều công ty khởi nghiệp Fintech hơn khi cơ sở hạ tầng công nghệ mới nhất luôn sẵn có và người dân có nhiều thuê bao điện thoại di động hơn. Ngoài ra, khả năng tiếp cận tốt hơn với cơ sở hạ tầng CNTT, được đo bằng mức độ sẵn có của Internet và điện thoại di động, thường gắn liền với việc sử dụng các dịch vụ tài chính số nhiều hơn.

Đặc biệt, báo cáo nêu rõ cơ sở hạ tầng thanh toán CNTT đang đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán số. Phát hiện này được chứng minh bằng sự phổ biến của các hệ thống thanh toán theo thời gian thực như United Payments Interface (UPI) ở Ấn Độ và PromptPay ở Thái Lan, hiện là một trong những phương thức thanh toán ưa thích của người tiêu dùng.

Báo cáo cũng lưu ý, mặc dù môi trường pháp lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực tài chính có thể làm tăng chi phí tuân thủ, do đó ngăn cản sự đổi mới tài chính, song cũng có thể thúc đẩy việc áp dụng Fintech bằng cách thúc đẩy một hệ thống tài chính an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Ví dụ, các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn có thể khuyến khích việc sử dụng các dịch vụ tài chính số nhiều hơn bằng cách xây dựng lòng tin và sự tin cậy cần thiết đối với các nhà cung cấp công nghệ tài chính. Tương tự, sự tồn tại của luật tiền điện tử thường mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý, tính dễ dự đoán và tính minh bạch liên quan đến việc phát hành tiền điện tử. Qua đó tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các công cụ thanh toán mới, sáng tạo và an toàn.

Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh, mặc dù môi trường chính sách chất lượng cao là cần thiết cho sự phát triển của Fintech nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả và cần có các yếu tố khác để ngành này phát triển.

Kết luận này được rút ra từ các mô hình được quan sát trong kết quả nghiên cứu. Trong khi mức độ hoạt động Fintech luôn ở mức thấp tại các quốc gia có điểm số về chỉ số chính sách, thì kết quả rất khác nhau đối với các quốc gia có điểm cao về các chỉ số này. Thêm vào đó, một số quốc gia có môi trường chính sách hỗ trợ lại xếp hạng tương đối thấp về hoạt động Fintech mặc dù có nhiều nỗ lực về pháp lý.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ