Xu thế tất yếu
Sáng 8/8, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”.
Hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, năng lượng xanh không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng của mỗi quốc gia, mà còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), trong đó, quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030; định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo |
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Tuấn Anh, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không hề dễ dàng, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 lên tới hơn 130 tỷ USD, nhưng trong hơn 3 năm qua, mới đạt khoảng 30 tỷ USD. Như vậy, trong hơn 6 năm còn lại, còn cần hơn 100 tỷ USD đầu tư cho ngành điện, đây là thách thức rất lớn.
Trong khi đó, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng tái tạo; thiếu nguồn linh hoạt, chưa tự chủ sản xuất được thiết bị phát điện, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện, thiếu hệ thống lưu trữ năng lượng tin cậy. Các dự án điện LNG cũng gặp nhiều vướng mắc về chính sách khi triển khai thực hiện. “Chúng ta cũng thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thị trường hóa…” - TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết, theo Quy hoạch điện 8, tổng quy mô công suất các dự án điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó, nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án); nhà máy điện khí sử dụng LNG xấp xỉ 22.400 MW (13 dự án).
Đến tháng 6/2024, đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) năm 2015 (đang sử dụng nhiên liệu dầu) và sau đó sẽ sử dụng khí Lô B. Cùng đó, đang xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85 % (sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải).
Ngoài ra, đang trong quá đầu tư xây dựng có 18 dự án, trong đó, 9 dự án sử dụng khí khai thác trong nước, tổng công suất 7.240 MW; 9 dự án sử dụng LNG, tổng công suất là 16.400 MW; 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, tổng công suất 4.500 MW. “Hiện, mới có 1 dự án điện gió ngoài khơi được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ để khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi giữa PTSC và đối tác Singapore” - ông Nguyễn Quốc Thập thông tin.
Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - phát biểu |
Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá, do hành lang pháp lý cho mọi hoạt động, từ chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư cho đến đàm phán hợp đồng còn vướng, dẫn tới các quyết định đầu tư chậm ban hành và khó ban hành vì các điều kiện chưa được thỏa mãn. “Cũng vì khó khăn do khung pháp lý chưa xử lý được cho nên sức hút vào các dự án đối với các nhà đầu tư bị chậm lại, nhiều dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm song sau nhiều năm theo đuổi vẫn tiếp tục ở trạng thái khó giải quyết” - ông Nguyễn Quốc Thập nói.
Nhấn mạnh về phát triển điện khí LNG, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Thập, quy mô đưa ra rất lớn, tới 22.400 MW và có 13 nhà máy điện để phát điện từ khí LNG, song đến thời điểm hiện nay, mới có 2 dự án của PV Power đầu tư là Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 với công suất trên 1.600 MW. Hơn hết, bản thân dự án của PV Power hiện còn nhiều khó khăn, đầu ra của các nhà máy điện này vẫn chưa được thống nhất, do liên quan đến bao tiêu, bảo lãnh, kể cả chuỗi đằng trước đó là nhập khí LNG.
“Nếu nhập khẩu ngắn hạn rất rủi ro, còn nhập dài hạn cần có các cam kết dài hạn, lúc đó giá mới được theo thông lệ thị trường của các nước đang thực hiện. Hơn nữa, khi có được các cam kết dài hạn, Việt Nam mới có thể đi ký được các hợp đồng để đảm bảo cả chuỗi có thể hình dung ra được quy mô và hình dung ra rủi ro trong tương lai như thế nào” - TS. Nguyễn Quốc Thập phân tích thêm.
5 yếu tố để thành công trong cuộc đua tăng trưởng xanh
Theo GS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, để góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải quy hoạch đất trồng, tập trung sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, tập trung vào nhiệt điện sinh khối và cần quan tâm đến vấn đề tồn trữ năng lượng vì chúng ta có thế mạnh về thủy điện
Ngoài ra, “chúng ta đang định hướng về điện mặt trời, điện gió. Nếu tổ chức năng lượng, công nghệ không phát triển, giá trị điện mặt trời mang lại cho hệ thống điện không cao. Đồng thời, chúng ta cũng cần tập trung vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon” -GS.TS. Lê Anh Tuấn cho hay.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp về năng lượng |
Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, các chính sách hướng tới phát triển bền vững được ban hành tập trung vào 4 trụ cột chính: Biến đổi khí hậu; tiết kiệm năng lượng; năng lượng tái tạo; thị trường năng lượng.
Điểm đáng chú ý là Việt Nam khá nhạy bén trong việc tạo điều kiện cho thị trường tín chỉ carbon phát triển khi đã ban hành chính sách để thúc đẩy thị trường này. Đặc biệt, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt được thiết kế để đáp ứng mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo từ 30,9 - 39,2%, trong đó, năng lượng mặt trời tăng 4.100 MW; năng lượng gió trên bờ: 21.880 MW - ngoài khơi: 6.000 MW; phát thải khí nhà kính 204 - 254 triệu tấn. Đến năm 2050, năng lượng tái tạo tăng từ 67,5 - 71,5%, trong đó, năng lượng mặt trời tăng từ 168.594 - 189.294 MW; năng lượng gió ngoài khơi: 70.000 - 91.500 MW; phát thải khí nhà kính: 27 - 31 triệu tấn.
Về nguồn lực thực thi, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể tham gia đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để tận dụng các nguồn lực quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng được 15,5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh.
Chia sẻ về vấn đề thu hút đầu tư cho năng lượng xanh, TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, những năm gần đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam, với tổng vốn đầu tư FDI đạt trên 5,1 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 4 lần so với năm 2019. Tính đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam ước đạt khoảng 38,4 GW, phần lớn đến từ thủy điện và điện mặt trời.
Dẫn tính toán của Tổ chức BCG, TS. Hà Huy Ngọc cho hay, đến năm 2050, nhu cầu nội địa cho khí hydro sạch đạt khoảng 25 - 40 triệu tấn. Trong bối cảnh nội địa hóa hoàn toàn, hệ sinh thái hydro sạch có tiềm năng tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội đáng kể, đóng góp thêm 40 - 45 tỷ USD vào GDP và tạo ra khoảng 40.000 - 50.000 việc làm từ sản xuất, vận chuyển và phân phối hydro sạch. “Để khai thác triệt để những lợi ích của hydro sạch, Việt Nam phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện dài hạn nhằm phát triển toàn bộ chuỗi giá trị hydro, từ sản xuất đến bước sử dụng cuối cùng” - TS. Hà Huy Ngọc khuyến nghị.
Đồng thời ông cho biết, kinh nghiệm quốc tế thành công trong cuộc đua tăng trưởng xanh chủ yếu tập trung vào 5 yếu tố: Các chiến lược và lộ trình tăng trưởng xanh chi tiết, rõ ràng; hệ thống khung pháp lý đồng bộ với cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng xanh phù hợp; triển khai sớm các dự án xanh thí điểm; huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh toàn diện; đội ngũ hoặc hệ thống quản trị chiến lược xanh tích cực và sát sao. “Đây cũng là những điều Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng trong quá trình chuyển đổi xanh” - TS. Hà Huy Ngọc nói.