Thêm công cụ quản lý tài sản số, ngăn chặn gian lận và rửa tiền Cấp thiết xây dựng khung pháp lý cho tài sản số Toạ đàm Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp |
Chia sẻ tại Tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" chiều ngày 21/8, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, tài sản số sắp tới sẽ là xu hướng tại Việt Nam.
Theo ông Trung, có rất nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam. Điển hình theo báo cáo của một tổ chức chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD.
Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam. (Ảnh: VGP). |
Năm 2021 - 2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia nhỏ, sát với chúng ta là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và 3.
"Tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực chứ không thể có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng", ông Trung đánh giá.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp sắp tới.
Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số, trong đó tài sản số lần đầu tiên được định nghĩa tại Điều 8 của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật khẳng định: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan".
Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.
Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính. (Ảnh: VGP) |
Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ, tài sản số cũng phát triển rất mạnh trên thế giới.
"Chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, chúng ta cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đưa ra dẫn chứng Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định nguyên tắc chung là đối tượng, cá nhân cư trú có nghĩa vụ nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam. Đồng thời Luật cũng đưa ra khá rõ các khoản thu nhập chịu thuế, trong đó có một khoản là thu nhập từ sản xuất kinh doanh của cá nhân, ngưỡng trên 100 triệu; thu nhập từ chuyển nhượng tài sản. Luật cũng liệt kê các khoản thu nhập thuộc diện được miễn thuế. Như vậy trong trường hợp giao dịch về tài sản số khi mà tài sản số được pháp luật xem là tài sản thì chúng ta cũng có căn cứ để thu thuế dựa trên pháp luật hiện nay.
Tương tự với Luật Doanh nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp có thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động khác thì có nghĩa vụ nộp thuế.
"Như vậy trong trường hợp tài sản số được đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số, hay nói cách khác chúng ta thừa nhận tài sản số như một loại tài sản thì chúng ta hoàn toàn có căn cứ để thực hiện thu thuế dựa trên pháp luật thuế của chúng ta. Tương tự chúng ta có Luật Thuế giá trị gia tăng để chúng ta điều tiết, giao dịch các tài sản", ông Trương Bá Tuấn khẳng định.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: VGP) |
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, đối với vấn đề mới như tài sản số, trước hết phải khẳng định đây là tài sản không bị pháp luật cấm giao dịch, cấm sở hữu hay cấm đề cập đến. Người dân, doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm. Nhưng sẽ phát sinh một điều, mặc dù có giao dịch, có thu nhập từ giao dịch ấy nhưng không thu thuế được.
"Từ nhu cầu thực tế, đã đến lúc chúng ta phải tính chuyện đánh thuế. Vì có những người sở hữu tài sản ấy, có nhiều người thu nhập rất lớn từ tài sản ấy, mà về nguyên tắc một người đang sinh sống ở Việt Nam phải có trách nhiệm đóng thuế phần thu nhập.
Hiện nay có những giao dịch liên quan đến tài sản số. Về nguyên tắc, các giao dịch ấy cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Chúng ta có thuế VAT, đối với lĩnh vực này, nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập. Chúng tôi cho rằng đây cũng là nhu cầu rất chính đáng từ thực tiễn”, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.