Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch đô thị Thanh Hoá mới bao gồm cả huyện Đông Sơn Phân kỳ thực hiện quy hoạch đô thị, nông thôn theo từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế 2024 |
Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 42,6%
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tính đến tháng 12/2023, tổng số đô thị cả nước là 902 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 42,6%. 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt; quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đô thị hóa là quá trình tất yếu, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Việc kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết.
"Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới và quy định thống nhất trong cùng một Luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Trong 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hiện nay, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại 2 luật chính là: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng), được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Đồng thời, trong hệ thống pháp luật, có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như: Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Kiến trúc năm 2019; Luật Nhà ở năm 2023; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; Luật Đất đai năm 2023; Luật Đấu thầu năm 2023; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật; việc điều chỉnh trực tiếp tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng) và tản mạn tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành.
Do đó, cần thiết quy định trong một luật, thống nhất về tên gọi, đồng thời làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, mục đích việc xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng quy hoạch
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 133/TTr-CP của Chính phủ.
Việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.
Về định hướng nội dung xây dựng Luật, cơ quan thẩm tra đề nghị cần đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung như: Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch đô thị; bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn, phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn.
Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; gắn với mô hình phát triển đô thị, thể hiện được đặc thù của những mô hình đô thị mới.
Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp;
Thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương.
Cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. "Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế" - ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án Luật công phu trách nhiệm; đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu nhiều vấn đề lớn, chi tiết để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thêm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện về hồ sơ dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất cách tiếp cận của dự án Luật. Theo đó, một mặt kế thừa Luật Quy hoạch đô thị hiện hành cùng với đó là cụ thể hóa các nội dung, bổ sung một số quy định mới, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập và bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát cụ thể hóa hơn quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu. Đồng thời, lưu ý dự án luật cần có rà soát để làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; tiêu chí tiêu chuẩn quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; tiêu chí thiết yếu trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, luật này với các luật liên quan, trong đó có dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, cũng như các luật hiện hành như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lâm nghiệp, Luật PPP, Luật Bảo vệ môi trường…