Tóm tắt: Blockchain xuất hiện từ năm 2009 nhưng đến những năm gần đây mới được các ngân hàng và định chế tài chính trên thế giới nhìn nhận một cách nghiêm túc và tiến hành nghiên cứu để tìm cách ứng dụng vào hoạt động tài chính - ngân hàng. Nhờ đó, Blockchain mới từng bước khẳng định vai trò ứng dụng trong ngành tài chính - ngân hàng ở các hướng đi tích cực như: tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), sàn giao dịch tài sản mã hoá, hệ thống thanh toán xuyên biên giới chi phí thấp, tính ổn định và bảo mật của hệ thống giao dịch chạy trên internet,... Bài viết chia sẻ về xu hướng ứng dụng Blockchain tại các ngân hàng trên thế giới, trình bày thực trạng ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp cho các ngân hàng Việt Nam.
Blockchain application trends in the banking sector: Current status and recommendations
Abstract: Blockchain has been emerged since 2009 but in recent years, it has been taken seriously by banks and financial institutions around the world with many researches have been conducted to find ways to be applied into financial and banking activities. Hence, Blockchain gradually affirms its applicable role in the finance - banking industry in positive directions such as: central bank digital currency (CBDC), crypto asset trading exchange, low-cost cross-border payment system, stability and security of the internet transaction system,... The article shares about trend of Blockchain technology in banking around the world, shows the current application situation of this technology in Vietnam, thereby proposing some solutions for Vietnamese banks.
Xu hướng ứng dụng blockchain tại các ngân hàng trên thế giới
Trên thế giới, ứng dụng Blockchain được xác định như một giải pháp B2B (business-to-business) trong ngành tài chính đang được coi trọng. Theo báo cáo của Boston Consulting Group xuất bản 12/2021, có 7 xu hướng ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính - ngân hàng, gồm:
Hợp đồng thông minh (Smart contract): Smart contract là sự số hóa các thỏa thuận pháp lý. Khi một điều khoản trong hợp đồng thông minh thỏa mãn các điều kiện nhất định, thì hợp đồng sẽ tự động thực hiện theo điều khoản đó. Lợi ích của hợp đồng thông minh là tính minh bạch, mang đến hiệu quả cao, giảm chi phí.
Token được thế chấp bằng tài sản (Asset-backed token): Token hóa các công cụ tài chính và tài sản vật chất là một xu hướng mới nổi trong ứng dụng công nghệ sổ cái phi tập trung (DLT). Tính linh hoạt của Blockchain cho phép chủ sở hữu theo dõi hoạt động của các Token. Token được thế chấp bằng tài sản liên kết với một nguồn giá trị riêng biệt. Các Token loại này bao gồm: Token chứng khoán (securities token), Token bất động sản (real estate token), Stablecoin, token tiện ích (utility token).
Phát hành coin ra công chúng (ICO): Quy trình ICO tương tự như quy trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng chưa được pháp luật quy định. ICO đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 do nhóm đằng sau tiền mã hóa Mastercoin tiến hành. Sau đó, bong bóng ICO năm 2017– 2018 xảy ra khiến chính phủ trên thế giới phải quản lý chặt chẽ hơn. ICO cũng đang trở thành phương tiện cho vốn tổ chức, đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Các ngân hàng thương mại và đầu tư có thể tham gia vào các ICO với tư cách là đơn vị bảo lãnh và trung gian, như cách họ đang làm với các IPO.
Token không thể thay thế (NFT): NFT là Token đại diện cho một thực thể duy nhất, không thể thay thế, như tác phẩm nghệ thuật, danh tính số… Giá trị của NFT phản ánh giá trị của tài sản được liên kết với nó, nhưng tài sản đó không nhất thiết phải bao gồm bản thân tác phẩm nghệ thuật. NFT đã tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ và nhà sưu tập, mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng trên toàn cầu.
Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC): Trên 80% ngân hàng trên thế giới đều nghiên cứu CBDC - theo báo cáo từ PwC năm 2022. Một số nước đã phát hành CBDC gồm có The Bahamas và Nigeria, được kỳ vọng theo sau là Jamaica và Đông Caribbean. Các nước lớn đang tìm hiểu CBDC gồm có: Trung Quốc đang trong quá trình thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại một số thành phố; Ấn Độ đang khởi động thí điểm CBDC bán lẻ (retail) từ ngày 1/11 để giải quyết các giao dịch thị trường thứ cấp trong chứng khoán chính phủ nhằm giảm chi phí giao dịch.
Tài chính phi tập trung (DeFi): Các sản phẩm DeFi có nhiều loại nhưng tất cả đều chia sẻ một tính năng chung: chúng giúp chuyển đổi các sản phẩm tài chính truyền thống thành những biến thể mới không yêu cầu trung gian, như cho phép giao dịch P2P (peer-to-peer, ngang hàng), dùng smart contract để giám sát hoạt động và đảm bảo tính toàn vẹn của các giao dịch. Gần như tất cả các dự án DeFi đều được xây dựng trên Ethereum. Nhiều trường hợp sử dụng DeFi để gộp hoặc phân chia các khoản đầu tư, ví dụ: các nhóm thanh khoản kết hợp nhiều quỹ đầu tư thông qua hợp đồng thông minh, hoạt động trên một Blockchain duy nhất. Tuy nhiên ứng dụng thế nào trong một thế giới tập trung luật lệ chặt chẽ sử dụng DeFi là một đặc tính công nghệ đòi hỏi sự phối hợp giữa luật pháp - công nghệ - người dùng là bài toán cần sự phối hợp.
Tư vấn tài chính tự động (Robo-advisor): Robo-advisor và các ứng dụng tự động sử dụng các thuật toán hoặc AI để theo dõi hoạt động tiền mã hóa, phát hiện các tín hiệu cho thấy cơ hội tốt để mua hoặc bán và thông tin đến cho nhà đầu tư, giúp quản lý danh mục đầu tư cũng như giao dịch theo chương trình. Hầu hết các robo-advisor hiện tại được phát triển ở Mỹ hoặc Trung Quốc và vẫn chưa rõ hệ thống hoặc công ty nào sẽ dẫn đầu thị trường.
Một số ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng Blockchain gồm JPMorgan đã có ONYX blockchain và đang thử nghiệm công nghệ này cho việc thanh toán tài sản thế chấp vào tháng 5/2022. Link là một ứng dụng Blockchain sử dụng nền tảng Blockchain ONYX để cho phép các tổ chức tài chính và người dùng doanh nghiệp thực hiện truyền dữ liệu ngang hàng an toàn với tốc độ và khả năng kiểm soát cao hơn. Lợi ích đáng kể nhất của việc sử dụng Link là tích hợp công cụ này vào bất kỳ nền tảng nào thông qua API được tiếp xúc. Đó là một điểm khởi đầu tuyệt vời để đổi mới cách các tổ chức giao tiếp và chia sẻ dữ liệu có giá trị. Giải pháp Blockchain JPMorgan giúp giảm thời gian xử lý và xác minh thanh toán cho các khoản thanh toán lớn. Hiện tại, 382 ngân hàng đang sử dụng nền tảng Link của JPMorgan để trao đổi dữ liệu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng HSBC sử dụng nền tảng Blockchain Corda của R3 cho dịch vụ lưu ký Digital Vault. HSBC cho biết nền tảng Corda của R3 cho phép các doanh nghiệp giao dịch trực tiếp và riêng tư bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh, giảm chi phí giao dịch và lưu trữ hồ sơ cũng như hợp lý hóa hoạt động kinh doanh. Ra mắt từ năm 2019, dịch vụ Digital Vault số hóa hồ sơ giao dịch của các tài sản phát hành riêng lẻ như vốn chủ sở hữu, các khoản nợ hay bất động sản. Công nghệ Blockchain cho phép bất kỳ ai cũng có thể nhanh chóng kiểm tra hồ sơ giao dịch, từ đó các khách hàng sử dụng dịch vụ lưu ký có thể dễ dàng truy cập thông tin chi tiết về tài sản cá nhân của họ trực tiếp và trong thời gian thực, thay vì phải tìm kiếm hồ sơ trên giấy tờ.
Ngoài việc ứng dụng Blockchain vào quy trình hoạt động, theo Blockdata, khoảng 23 ngân hàng lớn trên thế giới đã đầu tư vào các công ty Blockchain hoặc tiền mã hóa, trong đó có các ngân hàng lớn như: Morgan Stanley, BNY Mellon, Goldman Sachs, KB Financial Group, United Overseas Bank, Citigroup và Commonwealth Bank of Australia.
Thực trạng ứng dụng blockchain tại Việt Nam
Ở Việt Nam, tuy chưa có khuôn khổ pháp lý rõ ràng về Blockchain và tiền mã hóa nhưng Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu vấn đề pháp lý xung quanh cơ chế Sandbox cho các ứng dụng Blockchain. Các văn bản Chính phủ có đề cập đến Blockchain bao gồm: Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020, Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021, Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021.
Dù vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã nghiên cứu về Blockchain từ sớm như một giải pháp công nghệ cho các hoạt động tài chính. Năm 2018, VietinBank, VIB, TPBank thử nghiệm chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain. Năm 2019, HSBC áp dụng Blockchain trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam bằng giao dịch thư tín dụng (L/C). Tính đến cuối tháng 2/2021, có thêm 5 ngân hàng thương mại Việt Nam - BIDV, HDBank, VietinBank, MBBank và Vietcombank.
Ngày 26/10/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức hội thảo về “Cơ hội và Thách thức ứng dụng Blockchain trong tài chính - ngân hàng”. Trong khuôn khổ hội thảo, các ngân hàng thương mại như HSBC Việt Nam, TPBank, Vietcombank đã chia sẻ quá trình nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng Blockchain từ những năm 2019. Tại hội thảo, đại diện HSBC Việt Nam cho biết, thời gian một bộ hồ sơ L/C (thanh toán bằng thư tín dụng) được xử lý thành công theo mô hình truyền thống phải mất 5-10 ngày, nhưng với Blockchain chỉ mất 1 ngày, từ đó giúp ngân hàng tăng năng suất lao động, giảm bớt thời gian xử lý giấy tờ và HSBC vẫn đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm này.
Vietcombank ứng dụng Blockchain trên nền tảng Ngân hàng số VCB Digibank, phát triển dịch vụ VCB Rewards – chương trình tri ân dành cho khách hàng cá nhân. Nhờ vào công nghệ Blockchain, toàn bộ quá trình tích điểm và đổi quà được lưu trữ, cập nhật tự động trên VCB Digibank, cho phép khách hàng chủ động tra cứu lịch sử tích điểm và thực hiện đổi quà. Hiện tại, Vietcombank đang nghiên cứu mở rộng ứng dụng Blockchain, hợp tác với các công ty Fintech.
TPBank đã ứng dụng Blockchain thông qua RippleNet cho các giao dịch chuyển tiền quốc tế. Tổng thời gian giao dịch rút ngắn chỉ còn vài phút, đáp ứng nhu cầu chuyển tiền quốc tế ngày càng cao của khách hàng. RippleNet hiện là mạng lưới được hỗ trợ bởi nền tảng Blockchain lớn nhất cho hoạt động thanh toán toàn cầu, được phát triển bởi SBI Ripple Asia - liên doanh giữa Ripple Labs, Inc. (USA) và SBI Holdings với sứ mệnh đẩy nhanh việc áp dụng thanh toán dựa trên công nghệ Blockchain tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ưu, nhược điểm của Blockchain đối với hoạt động ngân hàng
Một số cách công nghệ Blockchain được cho là sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng, như sau:
(1) Giúp chuyển tiền quốc tế nhanh chóng: Hiện tại, khi chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác, các giao dịch có thể mất nhiều ngày và liên quan đến nhiều bên thứ ba; và một ngân hàng hay các bên đang tính toán cắt giảm giao dịch này do nhiều thủ tục trong khâu xử lý. Với đặc tính của Blockchain sẽ cho phép các giao dịch ngang hàng nhanh hơn và đơn giản hơn, hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng quốc tế.
(2) Giúp tăng cường bảo mật và giảm gian lận: Mạng lưới Blockchain được duy trì bởi hàng nghìn máy tính, có nghĩa là không có điểm trung tâm nào mà tin tặc có thể tấn công mạng và thay đổi dữ liệu mà không để lại bằng chứng. Đặc tính này của Blockchain khiến nó trở nên cực kỳ phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hiện nay về tội phạm mạng tràn lan hay các cuộc tấn công ransomware lan rộng, có thể xâm phạm thông tin nhạy cảm và dẫn đến thiệt hại hàng trăm nghìn đô la cho các nạn nhân. Vậy nên, Blockchain có thể giúp loại bỏ gian lận khi công nghệ này tạo ra dữ liệu đối chiếu, kiểm toán rõ ràng; đồng thời nhân bản dữ liệu này, do đó hầu như không thể thay đổi bất kỳ thông tin nào khi đã được tải lên hệ thống.
(3) Blockchain có khả năng giảm đáng kể chi phí dịch vụ ngân hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm: Một số tác vụ có thể được tự động hóa khi sử dụng Blockchain, chẳng hạn như thanh toán hoặc phát hành các khoản vay.
(4) Giúp giảm thiểu lỗi của con người: Nhiều báo cáo khác nhau cho thấy những sai sót của con người trong công tác kế toán, ghi chép và đối chiếu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gian lận. Bằng cách sử dụng phương pháp tự động ghi lại các giao dịch của Blockchain mà sau này không thể thay đổi được, nhiều quy trình thủ công sẽ được loại bỏ dần, do đó giảm thiểu sai sót của con người, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động của các mối đe dọa mạng.
(5) Blockchain có thể giúp đẩy nhanh tiến trình cho vay ngang hàng (P2P): Việc cho vay sẽ dần trở nên dễ dàng hơn vì sẽ có các giao dịch được giải quyết ngay lập tức. Điều này có thể giúp tránh các vấn đề như gian lận lặp chi và vỡ nợ. Blockchain cũng có thể giảm thời gian mở tài khoản ngân hàng từ vài ngày xuống còn vài phút.
Với các ứng dụng cụ thể nêu trên, rõ ràng công nghệ Blockchain đang dần tiến vào ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng. Từ chuyển tiền đến giao dịch chứng khoán đến thanh toán xuyên biên giới, công nghệ Blockchain đang sẵn sàng tạo ra tác động lớn đến cách thức thực hiện các giao dịch quốc tế và tài sản kỹ thuật số được bảo mật.
Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại qua quá trình thử nghiệm đều có đánh giá đầy đủ cả tích cực và điểm yếu của giải pháp công nghệ này. Chẳng hạn như, tại hội thảo “Cơ hội và Thách thức ứng dụng Blockchain trong tài chính - ngân hàng”, Vietcombank đã đưa ra kết luận rằng: "Việc ứng dụng Blockchain kỳ vọng là giảm chi phí quản trị nhưng lại tăng chi phí ứng dụng vì ở quy mô hiện tại các sản phẩm mới ở mức nghiên cứu". Tham luận của ngân hàng nhìn thẳng vào vấn đề chữ ký số là một thủ tục hay sản phẩm công nghệ cũ đã là cản trở pháp lý đối với ứng dụng công nghệ chữ ký Blockchain. Mặc dù công nghệ tốt nhưng pháp lý chưa có để sử dụng. Ngân hàng trung ương chắc chắn có kế hoạch nghiên cứu về CBDC nhưng hiện tại bức tranh tài chính có nhiều điều cần làm trước khi CBDC được nghiên cứu. Đó chính là chính sách tiền tệ như: tỷ giá, lãi suất, hệ thống dự trữ ngoại hối, hay các thông tin về M0, M1, M2,... Hay hệ thống chuẩn hoá về e-KYC, AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố),...
Bên cạnh đó, còn những rào cản về chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng công nghệ, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin. Các nền tảng Blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng của ngân hàng trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng Blockchain gặp nhiều thách thức.
Chưa kể, vấn đề về khả năng mở rộng mạng lưới giao dịch, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Chỉ khi nào mạng Blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể, bao gồm chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn.
Các chuyên gia chia sẻ thêm tại Hội thảo rằng, việc triển khai Blockchain không nên theo trào lưu mà luôn phải có bài toán thực tế. Blockchain phải mang lại hiệu quả cho việc kinh doanh trên nền tảng số, kết hợp và khai thác cùng đối tác, chủ động nghiên cứu công nghệ theo lộ trình hợp lý. Muốn triển khai các yêu cầu mang tính thực tế, có hiệu quả cao thì cần phải đào tạo nhân sự, đầu tư nghiêm túc vào ứng dụng Blockchain, vào nghiệp vụ ngân hàng cụ thể để đạt được hiệu quả mong muốn.
Những năm tới các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính như chứng khoán, quỹ đầu tư sẽ chủ động đầu tư thử nghiệm Blockchain Lab để đánh giá ứng dụng cho tổ chức mình. Tại các Lab, nghiên cứu này có thể thử nghiệm 6/7 xu hướng ứng dụng trong tài chính mà Boston Consulting Group đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu. Có như vậy, chúng ta mới có thể đón đầu được làn sóng Fintech trong ngành tài chính toàn cầu.
Đề xuất/khuyến nghị giải pháp cho các ngân hàng tại Việt Nam
Để tận dụng sức mạnh Blockchain trong ngành Ngân hàng, cần thiết phải có lộ trình và những bước đi chiến lược hiệu quả, thực tế, có 3 hướng: Đầu tiên, cần cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ ngân hàng dưới góc nhìn ứng dụng Blockchain thông qua cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch; Thứ hai, xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain; Thứ ba, ứng dụng các lợi thế của Blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech, tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng. Chỉ cần làm được 1 trong 3 hướng này đã là thành công.
Blockchain là công nghệ ứng dụng chạy trên nền các công nghệ ứng dụng truyền thống khác. Nó chỉ phát triển khi có các chuyên gia từng ngành nghề truyền thống đó dùng Blockchain để khai thác thúc đẩy ngành của mình. Về lý thuyết, mọi ngành đều có thể khai thác Blockchain nhưng cần những chuyên gia ngành tham gia thúc đẩy và phản biện ở từng sản phẩm ứng dụng thì mới có thể ứng dụng thành công. Các ngành có triển vọng nhất hiện nay sẽ là y tế, vận tải, giáo dục và đào tạo vì tính cấp thiết và cần thiết cho cuộc sống thực.
Kết luận
Nhìn chung, công nghệ Blockchain sẽ hỗ trợ ngân hàng mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giúp các tổ chức ngân hàng truyền thống cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp Fintech. Thế nhưng, để tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ Blockchain, trước tiên các ngân hàng cần phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để vận hành các ứng dụng phù hợp. Đồng thời, cần rất nhiều ngân hàng - tổ chức tài chính tham gia vào tiến trình ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm sớm thúc đẩy hành lang pháp lý cũng như các chính sách cho phép thí điểm các giải pháp tại Việt Nam và lan rộng ra quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
- Seven Trends at the Frontier of Blockchain Banking | BCG
- PwC Global CBDC Index and Stablecoin Overview 2022
- Blockdata | Top Banks Investing in Crypto and Blockchain May 2022 Update
- Hợp tác tháo gỡ khó khăn về blockchain trong tài chính - ngân hàng - VnExpress Số hóa
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền Tệ số 1+2/2023
Phan Đức Trung