Xuất khẩu cà phê giảm 12,4%, giá xuất khẩu đạt đỉnh

23/08/2024 - 18:39
(Bankviet.com) Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,02 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD, giảm mạnh về lượng, tăng cao về giá.
Xuất khẩu cà phê tăng vọt 30,9% Xuất khẩu cà phê gặp bất lợi do tình hình thời tiết

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 36.903 tấn cà phê, thu về 195,34 triệu USD, giảm 7,5% về lượng nhưng tăng 67,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 15 ngày đầu tháng 8 vừa qua đạt kỷ lục 5.293 USD/tấn, cao hơn 342 USD/tấn (tương đương tăng 6,9%) so với tháng 7/2024; cao hơn 2.369 USD/tấn (tương đương tăng 81%) so với cùng kỳ năm 2023; và cao hơn 2.244 USD/tấn (tương đương tăng gần 74%) so với giá cà phê xuất khẩu bình quân hồi tháng 1/2024.

Xuất khẩu cà phê giảm 12,4%, giá xuất khẩu đạt đỉnh
Xuất khẩu cà phê tăng 67,4% về trị giá (Ảnh: Nescafe)

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,02 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng và tăng mạnh 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Kết thúc 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tấn, tương đương 90% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 12,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhận định, sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục giảm khoảng 15% so với niên vụ hiện tại. Lý do một phần diện tích cà phê bị thu hẹp. Ngoài ra, trong mùa khô vừa rồi hạn hán khá nghiêm trọng. Thông thường thời điểm tháng 5, 6 là giai đoạn quả cà phê phát triển nhanh chóng nhưng năm nay do thiếu nước nên hạt sẽ nhỏ lại.

Theo ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), với việc tổng nguồn cung năm tới sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, giá sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ, duy trì mức từ 100.000 đồng/kg trở lên ngay cả khi nguồn cung tăng lên trong thời điểm thu hoạch.

Trên thị trường hàng hoá phái sinh, giá cà-phê Arabica tăng 0,3%, tiến sát mức giá cao nhất hai năm rưỡi đã ghi nhận vào giữa tháng 7; giá cà-phê Robusta phá vỡ kỷ lục vừa hình thành ở phiên trước, tạo mức đỉnh lịch sử mới khi gần tiến tới mốc 5.000 USD/tấn.

Thị trường tiếp tục phản ứng với rủi ro thời tiết có thể ảnh hưởng đến triển vọng nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của Brazil. Lo ngại sương giá trở lại vào cuối tháng 8 chưa qua, nông dân trồng cà phê tại Brazil lại đối mặt với tình trạng khô hạn tại các vườn trồng cà phê chính. Gần hai tháng qua, nhiều khu vực trồng cà phê tại Đông Nam của nước này không có mưa và dự kiến sẽ còn kéo dài sang tháng 9. Thiếu mưa tác động xấu lên cây cà phê vụ 2024-2026 đang ra hoa, từ đó gây ảnh hưởng kém tích cực lên triển vọng nguồn cung.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương