Bộ Công Thương tìm hướng gỡ khó cho ngành da giày Xuất khẩu giày dép khởi đầu tích cực |
4 tháng, xuất khẩu tăng 5,7%
Tháng 4/2024, da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn với 1,956 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, giày dép và túi cặp chiếm một thị phần không nhỏ. Theo số liệu từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, quý I/2024 mặt hàng giày dép của Việt Nam chiếm 41,7%, mặt hàng túi-cặp chiếm 45,4% thị phần tại Mỹ; tiếp đến là thị trường EU với 28,6% và 27,1%; Trung Quốc là 11% và 3%; Nhật Bản là 6,3% và 11,3%...
Bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho biết, trong số các thị trường nhập khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao. “Đây cũng là thị trường quan trọng giúp ngành da giày hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm nay”, bà Xuân nói.
Bên cạnh đó, ngành da giày đã tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Kim ngạch xuất khẩu da giày tăng đã phản ánh phần nào bức tranh đơn hàng đã khởi sắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực này so với cùng thời điểm trước.
Xuất khẩu da giày: Đơn hàng tăng chưa át được nỗi lo về những quy định mới. Ảnh: Cấn Dũng |
Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định là một điển hình, đơn hàng nhận được của doanh nghiệp tăng hơn 30%, đảm bảo cho người lao động làm việc đến tháng 9-10/2024. Để có được lượng đơn hàng này, bên cạnh những khách hàng truyền thống như Mỹ và EU, Tập đoàn Gia Định đã mở rộng thêm khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico,…
Tương tự, Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina ở khu công nghiệp Biên Hòa 2, do đơn hàng tăng trở lại, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động để đáp ứng.
Áp lực từ các quy định mới
Mặc dù vậy, theo bà Xuân, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tại thị trường EU, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… đã và sẽ được thực thi thời gian tới và yêu cầu các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam. “Nếu chúng ta muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng, không có cách nào khác chúng ta buộc phải tuân thủ”, bà Xuân nhấn mạnh.
Theo ông Gerwin Leppink, chuyên gia của Tổ chức Wrap, ngày nay để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU thì việc tuân thủ các quy định của cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới cũng như luật về thẩm định nhân quyền là điều bắt buộc. Chứng nhận tuân thủ trách nhiệm xã hội và hải quan toàn cầu trong sản xuất có trách nhiệm là công cụ thiết thực nhất và đáng tin cậy để đáp ứng đồng thời luật pháp của Hoa Kỳ, Đức, châu Âu.
Để tuân thủ được các yêu cầu trên, theo bà Xuân, doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ, quản lý. Hơn nữa, cần nắm bắt kịp thời các thông tin, sau đó có những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực cho việc thực thi các yêu cầu mới này, như năng lượng xanh, chuyển đổi số để tiết giảm chi phí.
Bên cạnh đó, nâng cao, cải thiện mô hình sản xuất kinh doanh cũng là vấn đề cấp thiết. Bởi giày dép hiện nay không còn là mô hình sản xuất của 10 hay 20 năm trước, mà cần phải thay đổi trong đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ, hiểu biết, tay nghề cho người lao động.
Doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi cách thức quản lý, không thể quản lý theo kiểu truyền thống, mệnh lệnh, thủ công mà cần ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy cần được liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật được thông tin và ra quyết định kịp thời, khi đó mới nắm bắt và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Doanh nghiệp cần xây dựng được bộ phận tuân thủ nhằm cập nhật thông tin, đáp ứng yêu cầu của khách hàng… Ngành giày dép được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon trong quá trình sản xuất. EU đang đặt ra quy định Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong khi ngành này xuất khẩu vào thị trường EU khá lớn (chỉ sau Trung Quốc) khoảng 6 tỷ Euro/năm, nên chắc chắn EU sẽ áp dụng cơ chế CBAM với mặt hàng da giày của Việt Nam.
“Tuy nhiên, việc áp dụng chưa thực hiện ngay mà khả năng cao năm 2030 CBAM sẽ áp dụng cho ngành da giày, vì thế 5 - 7 năm tới là thời điểm để các doanh nghiệp da giày Việt Nam lên kế hoạch chuẩn bị cụ thể, rõ ràng. Không chỉ đơn giản là chúng ta thay đổi một bộ phận trong quá trình sản xuất mà gần như phải thay đổi toàn bộ chiều sâu, từ công nghệ, quản lý đến vận hành, đáp ứng”, bà Xuân nhấn mạnh.