Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu nông sản vào các khu vực thị trường trọng điểm đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, châu Mỹ giảm 20,6%, châu Âu giảm 11,8%, riêng châu Phi tăng 21,6% và châu Á tăng 5,7%.
trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu nông sản vào các khu vực thị trường trọng điểm đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ |
Trong đó, Trung Đông và châu Phi là hai khu vực thị trường rộng lớn với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, là thị trường tiềm năng và triển vọng, có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm.
Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào hai khu vực này năm 2022 đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ) và 10 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 1,6 tỷ USD (tăng 11,7%).
Trong đó xuất khẩu vào khu vực Trung Đông năm 2022 đạt trên 836 triệu USD (tăng 22,3%), 10 tháng 2023 đạt gần 700 triệu USD (tăng 2,6%); xuất khẩu vào khu vực châu Phi năm 2022 đạt trên 859 triệu USD (giảm 11,3%) nhưng 10 tháng năm 2023 đã đạt gần 900 triệu USD (tăng 20,1%).
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho hay, trong 10 tháng năm 2023, có 1.000 thông báo về thay đổi các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các thị trường lớn như Nhật Bản (120), Canada (111), EU (103), Hoa Kỳ (80)..., chiếm khoảng 10% lượng thông báo. Tuy nhiên, so với tổng số thông báo của các thành viên WTO trong giai đoạn này, số thông báo của toàn bộ hai khu vực Trung Đông và châu Phi chỉ có 158, chiếm 15% số lượng thông báo SPS.
Dù vậy, theo ông Ngô Xuân Nam, mặc dù các quy định SPS của các thị trường tại hai khu vực này đều ổn định, ít có sự thay đổi song không phải dễ đáp ứng. Đây là đặc điểm cần lưu ý.
Về việc này, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, nông lâm thủy sản Việt Nam vào hai thị trường này cũng cần đáp ứng một số yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất trong xuất khẩu nông sản để tăng tính cạnh tranh so với một số nước lân cận, với những sản phẩm tương tự.
“Các quy định về biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) tại mỗi nước trong khu vực Trung Đông, châu Phi khác nhau, tuy nhiên sản phẩm nông sản, thực phẩm đưa vào các thị trường này cần lưu ý đến chứng chỉ Halal", đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh.
Là một trong những quốc gia tại khu vực Trung Đông, Ả rập Xê út có nhu cầu lớn đối với các loại nông sản, thực phẩm, thực phẩm Halal, organic, rau quả tươi. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 200 triệu USD/năm, nhập khẩu thủy sản đạt trên 80 triệu USD.
Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Kim - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ả rập Xê út, nước này có quy định chặt chẽ, nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang đây đều phải đăng ký với Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ả rập Xê út (SFDA) và phải được SFDA chấp thuận.
SFDA không chỉ ra quy định mà còn thực thi thanh kiểm tra rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, SFDA có quyền kiểm tra chính thức các quy trình hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu để xác minh rằng các quy định pháp luật và hệ thống quản lý ở quốc gia đó tuân thủ luật thực phẩm của Ả rập Xê út, các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn, chỉ thị và mọi văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật.
UAE là một quốc gia giàu có và dân số ngày càng gia tăng trong hai thập kỷ qua đã dẫn đến sự gia tăng trong việc tiêu thụ các sản phẩm nói chung. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ chiếm 0,9% GDP của nước này và 80% thực phẩm và đồ uống được UAE nhập khẩu.
Chia sẻ về một số lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang thị trường, ông Trương Xuân Trung - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE - thông tin, ngoài giấy chứng nhận Halal, giấy kiểm định y tế và giấy kiểm định thực vật đối với sản phẩm thực phẩm, UAE là thị trường mở, hầu như không có rào cản thương mại, nhưng đây là một thị trường có tính cạnh tranh rất gay gắt. Các sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tỷ lệ hóa chất, thuốc trừ sâu không được vượt quá mức cho phép. Cần đàm phán và áp dụng điều khoản thanh toán an toàn nhất khi giao dịch với các doanh nghiệp UAE.
Bên cạnh những khó khăn, theo ông Ngô Xuân Nam, Trung Đông và châu Phi là hai khu vực đặc biệt đối với thị trường nông sản Việt Nam. Năm 2023, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) cũng đang trong quá trình thảo luận. Đây là những Hiệp định thương mại tự do đầu tiên giúp mở cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu vào thị trường Trung Đông.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Thương mại tự do với lục địa châu Phi (AfCFTA). Khi tham gia các hiệp định này, hầu hết hàng rào thuế quan được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh được minh bạch hóa.
Khu vực Trung Đông gồm 16 quốc gia với khoảng 400 triệu dân. Xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 6 quốc gia thành viên gồm UAE, Ả rập Xê út, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman. Hiện 6 nước GCC đều là thành viên WTO và đã có giao thương nông sản thực phẩm với Việt Nam với tiềm năng xuất khẩu lớn, khối thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm đã hoàn toàn được tiếp cận.
Đối với thị trường châu Phi, hiện có 45/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO. Do đó, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường. Thương mại Việt Nam - châu Phi đã tăng từ mức 2,52 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,5 tỷ USD năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến châu Phi đạt 2,8 tỷ USD. Các mặt hàng như gạo, cà phê, thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Nguyễn Hạnh