Xuất khẩu rau, quả: Vì sao sầu riêng mất 'ngôi vương'?

16/04/2025 - 12:11
(Bankviet.com) Xuất khẩu rau, quả quý I giảm 2 con số. Cùng với kiểm soát chặt chất lượng, chọn đi cửa ngách, trồng trái vụ, kỳ vọng xuất khẩu rau, quả đạt mục tiêu đặt ra.
Xuất khẩu rau quả giảm tốc trong tháng đầu năm 2025 Định vị lại ngành hàng rau quả xuất khẩu Chi tiết chỉ tiêu xuất khẩu từng mặt hàng nông thủy sản

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng thua chuối và thanh long

- Kết thúc quý I/2025, xuất khẩu rau, quả giảm 2 con số, ông có thể chia sẻ cụ thể về việc này?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Giá trị xuất khẩu rau, quả tháng 3 năm 2025 ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau, quả 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Sầu riêng kéo tụt kim ngạch xuất khẩu rau quả quý I/2025
Ảnh minh họa

Mặt hàng rau, quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 44,5%. Hai thị trường xuất khẩu rau, quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu lần lượt là 9,6% và 6%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau, quả 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc giảm 38,9%, thị trường Hoa Kỳ tăng 65,5%, thị trường Hàn Quốc tăng 0,1%.

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tăng mạnh nhất ở thị trường Anh với mức tăng 77,8% và giảm mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc với mức giảm 38,9%.

Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu rau, quả nói chung giảm mạnh. Nguyên nhân, Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng từ Việt Nam xuất đi. Việc này không riêng Việt Nam mà với cả Thái Lan. Nông dân Thái Lan cũng đang kiến nghị Chính phủ đàm phán với phía Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm tra này còn khoảng 30%.

Với tốc độ kiểm tra như vậy, hàng hóa của chúng ta nằm chờ tại cửa khẩu dẫn đến tình trạng hư hỏng.

Chúng tôi cũng hy vọng, trong thời gian tới, phía bạn sẽ giảm bớt tỷ lệ kiểm tra, theo đó, thay vì kiểm tra 100% thì họ chỉ kiểm tra 10 - 20%. Bởi nhiều container không vi phạm gì, nhưng ngồi đợi kiểm tra 100% khiến nhiều lô hàng bị xuống cấp.

- Hiện, sầu riêng nghịch vụ đã qua. Nhiều địa phương đang bước vào thu hoạch sầu riêng chính vụ. Ông có nhận định gì về đầu ra sầu riêng thời gian tới?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Đầu ra đối với sầu riêng cũng đang là vấn đề. Khoảng nửa tháng nữa sẽ bước vào thu hoạch sầu riêng chính vụ tại miền Tây. Với tốc độ kiểm tra như hiện nay, sẽ rất lo ngại. Hi vọng, với việc đẩy mạnh thông quan điện tử giữa phía Việt Nam và Trung Quốc cùng với việc tỷ lệ lấy mẫu giảm đi sẽ góp phần rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

- Để phát triển ngành sầu riêng bền vững, ông có khuyến nghị gì?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, để người tiêu dùng Trung Quốc không còn phải lo lắng đến vấn đề này, chúng ta cần phải kiểm tra tận gốc.

Vườn sầu riêng trước khi cắt 10 ngày hay nửa tháng, chủ vườn phải lấy mẫu và kiểm tra xem có cadimi không. Nếu trường hợp không có cadimi hay vàng O mới được tung ra thị trường để bán.

Vấn đề vàng O sẽ dễ kiểm soát hơn, bởi ở khâu sơ chế, bảo quản. Một số cơ sở sơ chế họ nhúng vàng O để làm đẹp cho quả sầu riêng. Việc thị trường nhập khẩu siết kiểm soát, các cơ sở này sẽ không sử dụng nữa.

Tuy nhiên, đối với cadimi, cần kiểm tra từ đầu sản xuất là các nhà vườn. Các nhà vườn cần chủ động kiểm tra chất lượng đất trồng để có hướng xử lý nếu trường hợp nguồn đất bị nhiễm cadimi.

Việc kiểm soát chặt từ đầu nguồn sẽ giúp không còn hiện tượng có những lô hàng bị nhiễm cadimi lẫn vào những lô hàng không bị nhiễm. Đồng thời, phía Trung Quốc sẽ thấy được chúng ta kinh doanh bài bản, minh bạch và họ sẽ giảm bớt tỷ lệ kiểm tra cadimi.

- Với tình trạng như hiện nay, xuất khẩu rau, quả có đạt được mục tiêu đặt ra không, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng giảm 70% so với năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng hiện còn thua chuối và thanh long.

Những tháng tới, việc xuất khẩu cũng rất khó đoán tình hình. Nếu phía Trung Quốc giảm tỷ lệ lấy mẫu xuống, việc kiểm tra chất vàng O và cadimi của Việt Nam tốt lên thì rất có thể xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, khả năng xuất khẩu rau quả cũng khó đạt được con số 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt trên 6 tỷ USD là chúng ta đã mừng rồi.

Kỳ vọng vào ớt, chanh leo

- Trở lại câu chuyện xuất khẩu rau, quả, trong số 4 mặt hàng nông sản Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ký Nghị định thư với phía Trung Quốc, có 2 mặt hàng rau quả là ớt và chanh leo. Ông có kỳ vọng gì cho cộng hưởng của việc này vào kim ngạch xuất khẩu rau, quả nói chung của Việt Nam trong năm nay?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Hai mặt hàng ớt và chanh leo, Trung Quốc trồng cũng rất nhiều. Với những mặt hàng xuất khẩu mà Trung Quốc có hàng nội địa thì chúng ta khó có thể phát triển mạnh được. Ví dụ như thanh long, trước đây Trung Quốc không trồng được, chúng ta xuất khẩu sang thị trường này đạt được hơn 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, khi Trung Quốc trồng được loại quả này, kim ngạch xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 400 - 500 triệu USD/năm, giảm xuống hơn một nửa.

Ớt và chanh leo Trung Quốc trồng nhiều. Mặt hàng ớt họ còn phải nhập khẩu của Ấn Độ và các nước, do đó, chúng ta cũng sẽ đối diện với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường này. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu ớt và chanh leo sang thị trường Trung Quốc sẽ không tăng quá cao, nhiều nhất cũng chỉ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi mặt hàng xuất khẩu cao nhất cũng chỉ tăng thêm 100 - 200 triệu USD/năm.

2 mặt hàng ớt và chanh leo bổ sung vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả. Tuy nhiên, rất khó có thể bù được sự tụt giảm quá nhanh của xuất khẩu sầu riêng. Với các mặt hàng rau, quả khác, trong đó có chuối, dù có tăng nhưng cũng chỉ thêm được khoảng 100 - 200 triệu USD so với năm ngoái.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương