Phát triển bền vững Chuyên gia kinh tế “hiến kế” xây dựng thương hiệu hàng hoá khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP Việt Nam là nước khai thác tốt nhất Hiệp định CPTPP để vào thị trường Canada |
Xuất khẩu tăng cao nhờ CPTPP
Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ năm 2019 và được đánh giá là một trong những hiệp định tự do thế hệ mới mang lại nhiều hiệu quả cho xuất khẩu hàng hoá nước ta.
Bà Tạ Thu Hà – Phó Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - Bộ Công Thương chia sẻ: Có thể nói sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã tạo động lực cho xuất khẩu hàng hoá Việt thời gian qua cũng như mang lại uy tín và hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP |
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Riêng năm 2022, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.
Đối với các thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada, Mexico đều tăng trưởng xuất khẩu rất cao qua từng năm với con số tăng từ 12- 30%. Ngoài ra, thặng dư trong trao đổi thương mại với các nước Canada, Mexico, Peru năm 2022 đạt đến 11 tỷ USD, chiếm 95% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới.
Nhờ tính hấp dẫn do tỷ lệ cắt giảm thuế cao, Hiệp định CPTPP đã giúp gia tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định CPTPP cũng mang lại uy tín với một nền kinh tế mở và năng động.
“Ví dụ như khi theo dõi và hỗ trợ các thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ những năm gần đây, nhất là khi Việt Nam là thành viên CPTPP, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan Chính phủ từ các nước đã đến tìm chúng tôi để đề nghị phối hợp, hợp tác. Bộ trưởng ngoại giao Canada Mélanie Joly cũng đã nhận xét là Việt Nam là ngôi sao đang lên trong khu vực” - bà Tạ Thu Hà nhấn mạnh.
Hiện nay, Canada đang thúc đẩy hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Việt Nam là quốc gia đang được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Những điều này sẽ giúp gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khu vực CPTPP nói riêng và thế giới nói chung trong thời gian tới.
Tiếp cận và đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững
Giống như nhiều thị trường khác, thị trường CPTPP đang có những thay đổi về tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Bà Tạ Thu Hà cho hay, bên cạnh thuận lợi mà hiệp định mang lại, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng đang phải đối diện với những rào cản phi thuế quan ngặt nghèo, trong đó có việc siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP có một chương riêng quy định về môi trường và phát triển bền vững là Chương 20 về môi trường, quy định rõ từ điều 20.1 đến điều 20.23. Trong các quy định này, các nước CPTPP nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường lớn của thế giới cũng như cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.
Các nước CPTPP cũng xác định những mục tiêu chung của hiệp định là nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường ở cấp độ cao. Thông qua việc thực thi các quy định cũng sẽ có mục tiêu đẩy mạnh pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua những chính sách đồng thời cả về thương mại và môi trường.
Trên thực tế, nhiều quy định liên quan đến môi trường đã được các nước luật hoá một cách chặt chẽ. Ví dụ như dự Luật chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ, các ngành thủ công mỹ nghệ, cà phê, chè, tiêu điều, cao su… Hoặc các chính sách, quy định mới của Canada về ghi nhãn hàm lượng tái chế có những quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm có ống hút, sản phẩm nhựa dùng 1 lần…
Hiện nay, xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và nó trở thành xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi. Một mặt nó thể hiện nỗ lực của các nước trong góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Mặt khác, những quy định chặt chẽ sẽ tạo ra trở ngại lớn đối với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.
“Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát các diễn biến liên quan đến lộ trình, thời gian phê chuẩn thực thi của các quy định để từ đó có những phản ứng chính sách phù hợp, đảm bảo tối đa lợi ích của doanh nghiệp. Đồng thời, có những biện pháp cảnh báo kịp thời đến doanh nghiệp để có giải pháp ứng phó trước những quy định mới của các nước” – bà Tạ Thu Hà thông tin.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Đồng thời hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng các quy định mới thông qua các hội nghị, hội thảo, bản tin, website… của vụ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất với các nước Anh, Canada để cung cấp thông tin kỹ thuật, tài chính nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, xây dựng mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đáp ứng quy định và tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính ban hành Quyết định 493 về phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, trong đó quy định rõ phát triển bền vững gắn với gia tăng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, bà Tạ Thu Hà cho rằng, doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận rằng tiêu chuẩn xanh và bền vững là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược. Trong tương lai, xu hướng này sẽ ngày càng bắt buộc và việc bắt kịp xu thế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.
Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường để điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu bài bản hơn, thích ứng yêu cầu, quy định mới, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Doanh nghiệp cần xác định nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ mất thị trường, mất khách hàng và không tận dụng được hiệu quả Hiệp định CPTPP" – bà Tạ Thu Hà nhấn mạnh.
Bảo Ngọc