Đi cùng với tăng trưởng kim ngạch thương mại, nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), cũng như số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng hóa Việt Nam từ thị trường Vương quốc Anh dự báo sẽ nhiều hơn.
Xuất khẩu tăng trưởng tích cực
Vương quốc Anh đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và là đối tác thứ 9 của Việt Nam ra thế giới. Sau một năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bất chấp đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp cần theo dõi cảnh báo sớm để có ứng phó hiệu quả |
Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Vương quốc Anh là điện thoại, dệt may, da giày, sắt thép, thủy sản, rau quả... Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm hóa chất. Theo cam kết của UKVFTA, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch hoặc có hạn ngạch, ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản... Ở chiều ngược lại, rất nhiều hàng hóa của Anh cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi xuất vào Việt Nam.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, chỉ một thời gian ngắn, nhưng doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đã bước đầu tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định UKVFTA đem lại. Song hiện dư địa thị trường hợp tác giữa 2 nước còn lớn, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường Anh. Vì thế, ông Chris Milliken - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (BritCham) cũng tin rằng, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai bên mang tính bổ sung cho nhau, thay vì cạnh tranh.
Nắm rõ các nguy cơ
Theo Cục PVTM, sau khi tách ra từ EU, Vương quốc Anh đã xây dựng thể chế PVTM riêng cho mình trên nền tảng pháp luật của EU. Trong đó, các cuộc điều tra có thể được bắt đầu khi một ngành công nghiệp của Vương quốc Anh có khả năng bị thiệt hại bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. “Việc hàng hóa xuất khẩu trở thành đối tượng bị điều tra PVTM từ thị trường nhập khẩu như Vương quốc Anh, là một khó khăn rất lớn với các DN xuất khẩu Việt Nam để ứng phó với các vụ việc điều tra, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp PVTM” - Cục PVTM lo ngại.
Trước thách thức trên, Cục PVTM khuyến nghị, DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Vương quốc Anh cần lưu ý về: Hợp tác, liên kết nhiều bên trong quá trình điều tra, theo dõi cảnh báo sớm đối với hàng hóa có nguy cơ, đánh giá quy mô và lợi ích thị trường. Do trong một số trường hợp, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hơn các đối tác khác, hàng hóa của Việt Nam lại nhận được những lợi ích cạnh tranh nhất định.
Theo đó, việc DN có hợp tác trong quá trình điều tra hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều tra. Trong trường hợp DN không hợp tác, Cơ quan điều tra Vương quốc Anh sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có để đưa ra kết luận. Thông thường, mức thuế PVTM đối với các DN không hợp tác sẽ rất cao, đến mức DN buộc phải từ bỏ thị trường. Mặt khác, để ứng phó với một vụ việc điều tra PVTM, DN sẽ phải cân nhắc, sắp xếp bố trí nguồn lực cần thiết như, thuê luật sư tư vấn có kinh nghiệm và trình độ về thương mại quốc tế, trong nhiều trường hợp sẽ cần đến hỗ trợ của luật sư nước ngoài do Việt Nam không có đủ nguồn lực luật sư tư vấn về lĩnh vực này.
Việc theo dõi các cảnh báo từ Bộ Công Thương và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp, giảm tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp cũng là vấn đề mà Cục PVTM luôn khuyến cáo tới DN. Đồng thời, các DN phải thường xuyên trao đổi với Cục PVTM về các khó khăn, cần sự tư vấn, qua đó giúp DN bảo vệ quyền lợi chính đáng; hay việc phối hợp, liên kết với các DN có cùng mặt hàng xuất khẩu để có kế hoạch đối phó chung với các vụ kiện có thể xảy ra, cũng là vấn đề cần chú trọng.
Về cơ bản khi ứng phó với các vụ việc từ Vương quốc Anh, các DN cũng cần lưu ý các vấn đề tương tự như vụ việc từ EU. Bên cạnh đó, DN cũng cần nắm được một số đặc điểm riêng trong quá trình điều tra vụ việc PVTM của Vương quốc Anh để có sự ứng phó hiệu quả. |
Bảo Thoa