8 tháng năm 2023: Xuất khẩu thủy sản thu về gần 5,8 tỷ USD Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc |
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản dự báo có khả năng phục hồi kể từ quý IV/2023 |
Nguyên nhân đến từ lượng đơn hàng ở thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… giảm mạnh, dẫn đến tồn kho cao. Cộng với các yếu tố về giá cả vật tư đầu vào phục vụ ngành thủy sản tăng, cước vận chuyển tiếp tục gây áp lực với hoạt động sản xuất thủy sản.
Đưa ra những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Xuất khẩu tôm tháng 8/2023 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, mặt hàng này mang về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, giảm 28%. Kim ngạch xuất khẩu tôm từ tháng 5/2023 đến nay liên tục tăng.
Riêng cá tra đạt khoảng 167 triệu USD trong tháng 8, cũng ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt tổng cộng gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) rất khả quan, không có sai lỗi lớn. Đây sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở các thị trường khác.
Xuất khẩu hải sản có thể có chiều hướng khả quan hơn nếu sau chương trình thanh tra của EC vào tháng 10 đối với hải sản khai thác kết quả đánh giá tích cực. Tuy nhiên, về góc độ tiêu thụ thì tôm và hải sản cũng có hy vọng lạc quan về sự hồi phục của các thị trường, cũng những biến động khác.
Theo các chuyên gia trong ngành, hiện tại, giá xuất khẩu tôm bắt đầu tăng từ 7.000 – 22.000 đồng/kg tùy loại. Nhu cầu thu mua cá tra cũng tăng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu thủy sản có khả năng phục hồi kể từ quý IV/2023 khi nhu cầu mùa lễ hội cuối năm tăng lên, nguồn cung giảm do giá thấp kéo dài khiến người nuôi hạn chế thả nuôi và giá một số loại thủy sản có dấu hiệu gần chạm đáy. Thị trường Trung Quốc và Nhật Bản... cũng đã có thêm những tín hiệu khả quan.
Dù vậy, hiện chi phí sản xuất tôm Việt Nam cao hơn Ecuador và Ấn Độ, vì vậy muốn tăng tính cạnh tranh Việt Nam cần tập trung vào chế biến giá trị gia tăng nhiều hơn trong 2023. Việc này hơn đòi hỏi khoản đầu tư khá lớn từ doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho hay, sản xuất tôm sú là lợi thế của Việt Nam so với các nước khác. Tôm sú có chu kỳ sản xuất dài hơn tôm thẻ chân trắng. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang hướng tới tham gia vào các hoạt động hoặc nỗ lực bổ sung liên quan đến sản xuất tôm sú trong năm nay.
Hiện chuỗi giá trị toàn ngành chưa mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, giá thành sản xuất ở mức cao buộc ngành thủy sản phải giảm giá thành sản xuất, với cách làm cũ trong bối cảnh mới, sẽ không nâng cao được sức cạnh tranh.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ngành thủy sản phải xây dựng cơ cấu giá thành chuẩn cho ngành, với các tiêu chuẩn cụ thể về giống, thức ăn, môi trường, thú y… để áp dụng đối với từng phương thức nuôi. Giống phải đảm bảo có tỷ lệ nuôi sống cao, tăng trưởng tốt, tiêu tốn thức ăn thấp để tạo sức cạnh tranh.
Ngoài mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, hải sản đang là sản phẩm tiềm năng, mảnh ghép quan trọng của ngành thủy sản và còn nhiều dư địa. Do đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị các địa phương cần quan tâm, quán xuyến lại tất cả các đối tượng nuôi trên địa bàn.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, ngành thủy sản đã đẩy mạnh phát triển với ba thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục triển khai phát triển thị trường Quảng Tây (Trung Quốc) thông qua hoàn thành ký kết ghi nhớ về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản.
Về phía VASEP nhận định, hiện các doanh nghiệp ngành tôm hiện đã đi rất sát thị trường, linh động điều chỉnh chính sách bán hàng. Với thị trường cá tra, mức giá hiện đã ở mức thấp nhất, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để có giá bán tốt nhất trong thời gian tới. Với người nuôi, cần hợp tác với các doanh nghiệp để nắm vững thị trường, dãn nuôi, đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu. Với đà này, VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD.
Nguyễn Hạnh