Xuất khẩu thủy sản: Khi nào thoát đáy?

13/06/2023 - 20:03
(Bankviet.com) Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu thủy sản 'hụt thu' 1,3 tỷ USD; giá tôm, cá giảm mạnh. Câu hỏi đặt ra là xuất khẩu thủy sản bao giờ thoát đáy?
Mexico là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 của Việt Nam Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu

Xuất khẩu giảm ở cả 2 sản phẩm chủ lực

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2023, xuất khẩu thủy sản đạt 809,5 triệu USD, tăng 8,9% so với tháng 4/2023 nhưng vẫn giảm mạnh so với mức 1,06 tỷ USD của tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% - tức hụt thu hơn 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản khi nào thoát đáy?
Xuất khẩu thủy sản khi nào thoát đáy?

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 5/2023, giá tôm nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu chậm, trong khi lượng thu hoạch tăng cao dẫn đến cung vượt cầu.

Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 18.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 242.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg giảm 13.000 đồng/kg còn 197.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg giảm 5.000 đồng/kg còn 145.000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 30 con/kg giảm 18.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 117.000 đồng/kg; cỡ 40, 60, 70 con/kg giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg còn lần lượt 111.000 đồng/kg, 91.000 đồng/kg, 83.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giảm 5.500 đồng/kg còn 76.500 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 đến 50%. Trong đó, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt 44% và 49%. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 25%.

Bên cạnh những khó khăn từ tác động kinh tế, ảnh hưởng tới sức mua từ các thị trường nhập khẩu chính, tôm của Ecuador, Ấn Độ và Indonesia đang áp đảo con tôm Việt trên thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp tôm lo lắng về khả năng cạnh tranh giá thành nuôi tôm.

Đại diện Công ty Công ty CP Chế biến thuỷ sản Tài Kim Anh (Sóc Trăng) - cho hay, 5 tháng đầu năm, doanh số nhập khẩu tôm các loại của Trung Quốc là hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã giảm khoảng 24,9% sản lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trong khi đó, lượng tôm nước láng giềng nhập từ Ecuador, Ấn Độ lại tăng đột biến. Ước tính, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đứng thứ 11, và là quốc gia bị Trung Quốc giảm mua nhiều nhất. Nguyên nhân chính do giá tôm của Việt Nam quá cao.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, hiện giá thành tôm Việt Nam đang ở mức 4,8 - 5 USD/kg, cao hơn 100% so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg), cao hơn 30% so với Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).

Với ngành hàng cá tra, hiện giá nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 5/2023 do nhu cầu thị trường nhập khẩu ở mức thấp. Theo đó, cá trong size 800g - 1 kg/con trong tháng trung bình ở mức 27.500 - 28.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Xuất khẩu cá tra giảm mạnh tại nhiều thị trường được lý giải là do hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại thị trường nhập khẩu. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức do chi phí nguyên liệu và các đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.

Khi nào thoát đáy?

Câu hỏi đặt ra lúc này đó là xuất khẩu thủy sản khi nào thoát đáy? Báo cáo phân tích ngành thủy sản, Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2023 sẽ hồi phục khi nhu cầu tiêu thụ của ba thị trường chính gồm Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc có dấu hiệu tăng.

Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ.

Tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định trong nửa cuối năm nay. Lạm phát ở EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác, như cá minh thái, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cá tra Việt Nam vẫn rộng cửa ở thị trường này.

Riêng thị trường Trung Quốc, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm nay.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông tin, ngành thủy sản đang phục hồi, số lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự kiến cuối quý III, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD cả năm.

Còn theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, hiện thị trường Hoa Kỳ hàng nhập khẩu đã có dấu hiệu phục hồi - xét về lượng. Còn về giá trị vẫn tăng trưởng âm vì đơn giá giảm. Tuy vậy, thị trường đã qua đáy nên doanh nghiệp cũng đỡ vất vả. Do đó, nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn, đơn hàng tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Nhưng dự báo xuất khẩu cả năm 2023 chỉ dừng ở mức 9 - 10 tỷ USD do vẫn còn nhiều yếu tố khó lường.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương